Phạm Diệu

Yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT khi bên vay có dấu hiệu tẩu tán tài sản?

Luật sư tư vấn về trường hợp yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT khi bên vay có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Nội dung tư vấn như sau:

 

Em mong anh chị tư vấn cho em sự việc như sau ạ! Hiện nay có người nợ e số tiền 390tr. Có giấy vay nợ viết tay của vợ số tiền là 490tr, họ đã trả em dc 100tr còn lại 390tr chưa trả. em đã tính làm thủ tục kiện ra tòa nhưng sợ họ tẩu tán tài sản nên chưa dám làm ạ. Hiện nay họ có sổ đỏ và có ngôi nhà trị giá khoảng 2,5 tỷ đang được thế chấp tại ngân hàng huyện với giá khoảng 500t. Sổ đỏ này mang tên hai vợ chồng họ nên việc khởi kiện của em và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là rất khó.Do đó e đã tìm đến nhiều chủ nợ khác và họ đều đồng ý để cùng e khởi kiện con nợ. Họ nợ có người thì 250tr, có người 200tr và có ng 600tr...Vậy bây giờ chúng em muốn cùng khởi kiện và có BP KCTT để tránh họ tẩu tán tài sản thì phải em như thế nào ạ.Em nên kiện ra tòa án dân sụ hiện hay báo công an ạ?Và chúng e phải gì để tránh con nợ tẩu tán tài sản? Điều kiện dể áp dụng bpKCTT trong trường hợp này là như thế nào ạ? Rất mong anh chị tư vấn qua mail giúp em. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

 Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

 3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

 4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

 5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

 b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Căn cứ quy định nêu trên, bên vay phải có nghĩa vụ trả đầy đủ và đúng thời hạn về khoản tiền đã vay trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp, khi hết thời hạn vay, bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi bị đơn đang cư trú để yêu cầu giải quyết. Để đảm bảo đơn kiện được Tòa án chấp thuận và thụ lý anh/chị phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc xác nhận đã có quan hệ giao dịch vay tiền trên thực tế, các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên.

 

Trường hợp xác định được bên vay có dấu hiệu tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì anh/chị có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

 

Điều 111. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

 

1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

 

2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

 

3. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.”

 

Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

 

“1. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:

 

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

 

b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 

d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

 

đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 

e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

 

Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

 

2. Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được giải quyết như sau:

 

a) Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu;

 

b) Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu chấp nhận thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này. Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án; nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa.

 

3. Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.

 

4. Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật này thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo