Luật sư Phùng Gái

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng trên đất thuộc hành lang giao thông?

Những loại đất nào không được tiến hành xây dựng? việc xây dựng trên đất nông nghiệp, đất hành lang giao thông có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Hình thức xử phạt là như thế nào? … đây là những thắc mắc phổ biến của những người sử dụng đất hiện nay. Luật Minh Gia giải đáp những vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về dân sự, đất đai

Hành vi xây dựng các công trình trên đất hành lang giao thông, trên đất nông nghiệp là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đối với những người đã thực hiện hành vi xây dựng trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể phải tháo dỡ công trình đã xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp không biết hành vi của mình là trái pháp luật cho đến khi bị xử phạt do không nắm bắt được các quy định pháp lý về loại đất cũng như các quy định về xây dựng hiện nay. Nếu bạn cũng đang có thắc mắc về việc xây dựng công trình trên đất hành lang giao thông, đất nông nghiệp, hãy đặt câu hỏi về Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên hướng dẫn, tư vấn.

Khi bạn liên hệ Luật Minh Gia, đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn các vấn đề như:

- Quy định pháp luật về xây dựng trái phép;

- Chế tài đối với hành vi xây dựng trái phép;

- Tư vấn tất cả các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn dưới đây để tham khảo thêm thông tin hoặc đối chiếu quy định pháp luật vào trường hợp thực tế của mình.

2. Hỏi về hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất hành lang giao thông

Câu hỏi tư vấn: Em có 1 lô đất dọc quốc lộ 1A, vừa qua em đã xây một quán nhỏ (tường gạch, mái tôn, 1 lớp móng đá chẻ) với mục đích mưu sinh.

Mặc dù em biết đây là phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ nhưng theo quan sát dọc quốc lộ khu vực em sinh sống cũng nhiều hộ gia đình xây giống em, nên em nghĩ  không sao, vì em chỉ muốn mượn tạm phần đất này để buôn bán mưu sinh đến khi nhà  nước quy hoạch làm đường thì sẽ trả lại mặt bằng.

Nhưng Uỷ ban xã em họ đã làm biên bản vi phạm hành chính và đưa lên huyện phạt với mức tiền là 17,5 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ, nhưng gia đình em không đồng ý (vì khu vực xung quanh những nhà khác đã  vi phạm và vẫn đang tồn tại). Hiện tại quán em đã xây xong nhưng ở huyện tiếp tục đưa văn bản quyết định cưỡng chế đối với quán em, em không biết phải làm thế nào cả.  Mong các anh chị có thể tư vấn để cho em có hướng giải quyết tốt nhất. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 về phạm vi đất dành cho đường bộ. Cụ thể:

Điều 43. Phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.

2. Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

3. Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

4. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

Và Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

....

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 5, Điểm a Khoản 8 Điều này;

...

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt;

e) Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;

g) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe;

h) Xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố;

i) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;

b) Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.

9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì việc gia đình tự ý xây dựng lều, công trình tạm trên đất thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ được xác định là hành vi vi phạm. Do đó, việc cơ quan nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả là khôi phục trạng thái ban đầu cho đất là đúng, trường hợp khi đã có biên bản xử phạt mà gia đình không thực hiện thì cơ quan có quyền ra quyết định cưỡng chế đối với gia đình bạn (nên khi có quyết định xử phạt thì gia đình phải tuận thủ thực hiện). Đối với việc các hộ dân khác cùng sử dụng trái phép đất hành lang mà không bị xử phạt thì bạn có thể làm đơn khiếu nại để xử lý đối với các hộ dân đó.

Liên quan tới việc áp dụng mức xử phạt thì do bạn không cung cấp rõ hành vi xây dựng trái phép của mình nên không khẳng định mức phạt áp dụng 17 triệu có đúng quy định pháp luật hay không, để xác định mức xử phạt thì bạn có thể đối chiếu hành vi vi phạm của mình với quy định trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo