Nguyễn Thu Trang

Xăm tay sau khi trúng tuyển có được miễn nghĩa vụ quân sự?

Tôi có đứa cháu đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng nó không muốn đi mặc dù gia đình nó khuyên ngăn nhiều lần. Nó nói nếu xăm ở bàn tay thì sẽ không đi nghĩa vụ được , tôi biết cháu là thợ xăm và nghĩ cháu sẽ xăm để không đi nvqs. Nếu làm như thế thì cháu sẽ bị tội gì và sẽ bị gì không
Nội dung tư vấn:


Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 4 – Thông tư 167/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm. Về Tiêu chuẩn tuyển quân

2. Tiêu chuẩn chính trị, đạo đức:

d) Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội.
 
Tuy nhiên, đây là tiêu chuẩn để tuyển quân khi tham gia khám sức khỏe nhưng trường hợp cháu bạn đã trúng tuyển tức là đã đạt vòng khám tuyển đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự. Mà việc săm vào tay sau khi trúng tuyển không được pháp luật quy định là trường hợp miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 29 Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2005:

"Điều 29

1- Những người sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:

a) Người chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ;

b) Người là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;

c) Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;

d) Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng cao có nhiều khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định; cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thuộc các ngành khác và cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội được điều động đến làm việc ở những vùng nói trên;

đ) Người đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;

e) Người đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định;

g) Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu.

Hàng năm, những người nói trên đây phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ, hết 27 tuổi mà vẫn không được gọi nhập ngũ thì chuyển sang ngạch dự bị.


2- Những người sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:

a) Con của liệt sĩ, con của thương binh, bệnh binh hạng một có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng;

b) Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ;

c) Một con trai của thương binh hạng một, hạng hai và bệnh binh hạng một;

d) Thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng cao có nhiều khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định."

Nên trong trường hợp này, cháu của bạn vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự và không bị xử phạt mà chỉ bị xử phạt trong trường hợp vi phạm quy định về nhập ngũ được quy định tại Điều 7 Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu:
 
"Điều 7. Vi phạm quy định về nhập ngũ

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này
."
 
Còn nếu sau khi đã bị xử lý hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự:
Theo Khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, cụ thể là: 
 
Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
 
Như vậy, nếu cháu bạn đã trúng tuyển mà có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không chấp hành thì với lần đầu sẽ bị xử lý hành chính phạt tiền nhưng sau khi đã bị xử lý hành chính mà vẫn không chấp hành thì có thể bị xử lý hình sự
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xăm tay sau khi trúng tuyển có được miễn nghĩa vụ quân sự?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV: Nguyễn Thị Thủy - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo