Hoàng Thị Kim Lý

Xác định trách nhiệm dân sự và hình sự trong vụ án tai nạn giao thông

Luật sư tư vấn: khi xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông thì giải quyết trách nhiệm dân sự hay hình sự? Có được quyền thuê luật sư trong vụ việc này?

 

Câu hỏi: Tôi có 1 vấn đề cần tư vấn như sau: Gia đình tôi có mua 1 xe ô tô tải 1.25t để vận chuyển hàng hóa, ngày 15/3/2018 lái xe điều khiển lưu thông để bỏ bia tại các tạp hóa. khi lưu thông trên đường k có tim đường thì có va chạm với 1 xe mô tô đi ngược chiều do 1 ng thanh niên điều khiển đã sư dụng rượu bia, hậu qua a này bị gãy chân, chấn thương đầu. gia đình nam thanh niên kia cứ nói là do xe tải chạy nhanh lấn qua phần đường xe mô tô nên đòi bồi thường và làm khó dễ luật sư cho tôi hỏi: 1. Tôi muốn mời luật sư bảo vệ cho lái xe tôi trong trương hợp này được k? 2. Thủ tục giải quyết 1 vụ tai nạn giao thông là thủ tục gì? tố tụng hành chính hay dân sự. 3. Luật sư có quyền hạn gì khi cùng lái xe của tôi lên cơ quan công an làm việc 4. Trong trường hợp trên tôi có phải bồi thường cho bên ng điều khiên xe mô tô kia k

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề anh đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc xác định trách nhiệm dân sự hay hình sự.

 

Trường hợp cơ quan công an xác định nguyên nhân gây tai nạn là do lỗi của cả hai bên thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định về bồi thường thiệt quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:

 

Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra

 

1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

 

2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại."

 

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

 

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

4. Thiệt hại khác do luật quy định."

 

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại

;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

 

Tuy nhiên trường hợp cơ quan công an xác định hành vi phạm quy định giao thông đường bộ do người thanh niên hoặc do người lái xe của anh gây ra ta nạn và hậu quả của vụ tai nạn được đánh giá là nghiêm trọng thì người có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 :

 

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

..."

Như vậy, theo quy định pháp luật, việc bồi thường phát sinh khi có hành vi gây thiệt hại, có lỗi và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Để xác định mức bồi thường và hành vi vi phạm quy định giao thông, cần xem xét rõ yếu tố lỗi các bên trong vụ tai nạn. Từ đó xác định theo thủ tục tố tụng dân sự hay thủ tục tố tụng hình sự.

 

Thứ hai, về việc thuê người bào chữa (đối với vụ án hình sự) hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự (đối với vụ việc dân sự)

 

Đối với thủ tục tố tụng hình sự, căn cứ khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:

 

Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa

 

1. Người bào chữa có quyền:

 

a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;

 

b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

 

c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

 

d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

 

đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

 

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

 

g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 

h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 

i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 

k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

 

l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;

 

m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

 

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 

o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.

..."

 

Đối với thủ tục tố tụng dân sự, căn cứ Điều 76 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định:

 

Điều 76. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

 

1. Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.

 

2. Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

 

3. Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.

 

4. Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

 

5. Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.

..."

 

Như vậy, anh có thể thuê người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong trường hợp gây tai nạn giao thông này.

 

Thứ ba, trách nhiệm người sử dụng lao động khi người lao động gây tai nạn.

 

Trường hợp bồi thường của anh là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể là trường hợp bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra.

 

 

Theo thông tin anh đưa ra, anh thuê một người lái xe, nhưng không đưa ra thông tin hai bên có ký kết hợp đồng lao động hay không. Dù hai bên có giao kết hợp đồng lao động hay không thì trên thực tế đã tồn tại quan hệ lao động giữa anh và người lái xe. Do đó, anh là người sử dụng lao động và người lái xe là người lao động.

 

Căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

 

Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

 

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

 

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

 

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại."

 

Do vậy, trước hết, anh là chủ xe sẽ thực hiện việc bồi thường cho bên bị thiệt hại, sau đó, anh sẽ yêu cầu người đã gây ra thiệt hại và người lái xe thuê sẽ có nghĩa vụ hoàn trả một khoản tiền cho anh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo