Trần Diềm Quỳnh

Vay tín chấp không có khả năng thanh toán thì xử lý như thế nào?

Luật sư tư vấn về việc vay tín chấp nhưng đến hạn không có khả năng thanh toán bị xử lý như thế nào?

Dạ xin chào luật sư !Cuối năm 2017 tôi có đứng tên vay tín chấp giúp chồng tôi tại 2 ngân hàng. Trong 4 tháng vừa qua thì chồng tôi có thanh toán đầy đủ cho cả hai ngân hàng. Hiện nay chồng tôi đang thất nghiệp nên không có khả năng thanh toán, còn tôi thì đang nuôi con nhỏ cũng không có việc làm, càng không có khả năng thanh toán. Vợ chồng tôi cũng không có tài sản riêng. Chỉ ở chung với nhà mẹ đẻ của tôi. Nếu bây giờ chồng tôi không có khả năng thanh toán thì tôi sẽ bị xử lí như thế ạ. Còn gia đình tôi có bị liên lụy gì không ạ. Mong luật sư giải đáp giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hình thức, nội dung tín chấp như sau:

 

“Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

 

Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp”

 

Hợp đồng vay tín chấp giữa bạn và 2 ngân hàng được coi là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và có lãi theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Khi hợp đồng vay đến thời hạn, bạn có nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Theo quy định trên, khi đến hạn trả nợ mà bạn không trả được thì bên ngân hàng có quyền tính lãi suất theo quy định.

 

Tuy nhiên, như bạn đã trình bày, cả bạn và chồng đều không có khả năng thanh toán khi đến hạn trả nợ. Trong trường hợp này, bên ngân hàng có quyền làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay giữa bạn và 2 ngân hàng. Sau khi bản án của Tòa án đã tuyên có hiệu lực, được chuyển sang cho cơ quan thi hành án dân sự, bạn có nghĩa vụ trả nợ và thanh toán tiền lãi mà bạn phải chịu. Nếu bạn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì tùy vào từng trường hợp mà có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau theo quy định nếu có đủ điều kiện để áp dụng. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế, Tòa sẽ xem xét đến hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản riêng và đang nuôi con nhỏ của gia đình bạn.

 

Vì bạn là bên vay trong hợp đồng vay với ngân hàng, nên theo nguyên tắc, bạn là người phải thực hiện tất cả những nghĩa vụ trong hợp đồng. Việc giải quyết nghĩa vụ trả nợ giữa bạn với ngân hàng sẽ không ảnh hưởng đến người thứ ba, tức gia đình bạn, nếu không có thỏa thuận liên đới đối với nghĩa vụ trả nợ giữa bạn và gia đình bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Thị Thu Hiền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo