Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về việc thu hồi sim do không phát sinh cước của công ty Mobifone

Khi thu hồi Sim, nhà mạng không thông báo bằng văn bản đến cá nhân tôi theo địa chỉ đã đăng ký (vì sim không được mở nên không nhận được tin nhắn – nếu có). Việc thu hồi Sim như trên của nhà mạng có đúng luật hay không? - Cá nhân tôi có quyền yêu cầu họ trả lại Sim hay không? nếu có quyền yêu cầu nhưng họ vẫn không trả lại thì có thể làm gì? Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi văn phòng Luật Minh Gia, Tôi tên T.V.N xin  kính nhờ Quý văn phòng Luật tư vấn giúp vấn đề sau: Trước đây tôi có sở hữu Sim điện thoại di động dạng thuê bao trả trước (nạp tiền để gọi), do số khá đẹp nên tôi phải bỏ tiền mua Sim. Theo yêu cầu của nhà mạng, tôi cũng đã đăng ký số CMND, hộ khẩu tại đại lý của Mobifone và đã kích hoạt số dùng một thời gian. Vì đây là số đt thứ 2 nên cũng ít dùng và có khoảng thời gian khá dài (chắc hơn 2 tháng), do nhu cầu ít nên tôi tắt máy không dùng. Vừa qua tôi khởi động lại máy thì được báo là số chưa đăng ký, tôi liên hệ Mobifone thì họ giải thích do không phát sinh cước trong 60 ngày nên nhà mạng đã thu hồi số, hiện không thể khôi phục lại cho tôi. Theo tôi hiểu: - Khi tôi đã đăng ký tên/ CMND/ hộ khẩu thì số đt này đã thuộc sở hữu của cá nhân tôi; - Việc nhà mạng lấy lý do 60 ngày không phát sinh cước để thu hồi số là do 1 phía của nhà mạng vì khi đăng ký số này, nhà mạng không yêu cầu và cũng không ký thoả thuận/ hợp đồng hoặc ràng buộc nào liên quan đến quyền thu hồi Sim; - Khi thu hồi Sim, nhà mạng không thông báo bằng văn bản đến cá nhân tôi theo địa chỉ đã đăng ký (vì sim không được mở nên không nhận được tin nhắn – nếu có). Vậy tôi xin hỏi: - Việc thu hồi Sim như trên của nhà mạng có đúng luật hay không? - Cá nhân tôi có quyền yêu cầu họ trả lại Sim hay không? nếu có quyền yêu cầu nhưng họ vẫn không trả lại thì có thể làm gì? Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Tổng công ty Viễn thông MobiFone là Công ty TNHH Một Thành viên cung cấp dịch vụ viễn thông. Nếu anh muốn sử dụng dịch vụ của công ty thì hai bên sẽ giao kết hợp đồng dịch vụ, hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa các bên về cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Hợp đồng này cũng sẽ là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh.

 

Nếu SIM không được đưa vào sử dụng sẽ gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ, bởi trong thời gian khách hàng lưu trữ SIM thì nhà mạng vẫn phải trả các khoản phí cho Nhà nước như phí tần số, phí kho số cũng như lưu trữ trên hệ thống tổng đài và mạng lưới đã khai báo để sẵn sàng quản lý số SIM này. Vì thế mà việc anh không phát sinh cước trong thời gian 60 ngày được Mobifone sử dụng làm căn cứ thu hồi SIM.

 

Để biết được căn cứ nhà mạng sử dụng có đúng pháp luật hay không anh cần dựa trên nội dung thỏa thuận về sử dụng dịch vụ mà anh giao kết lúc đi đăng ký SIM. Nếu trong hợp đồng này có quy định các nội dung về thu hồi sim như trên thì việc làm của nhà mạng là đúng thỏa thuận.Nếu có điều khoản quy định về nghĩa vụ báo trước thì hậu quả pháp lý sẽ được áp dụng theo điều khoản đã thỏa thuận này. Anh muốn lấy lại sim thì chỉ còn cách thỏa thuận lại với Mobifone.

 

Trường hợp các bên không giao kết hợp đồng hoặc trong nội dung hợp đồng không có điều khoản về việc thu hồi sim, thông báo thu hồi thì có thể dựa trên các quy định của Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết tranh chấp trong trường hợp này, cụ thể:

 

Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ của bên cung ứng dịch vụ như sau:

 

“Điều 520. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ

 

2.Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

 

Trong đó nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ bao gồm:

 

“Điều 515. Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ

 

1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.”

 

2. Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.”

 

Như vậy, trong trường hợp này nhà mạng chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ với anh nếu hai bên đã có thỏa thuận “không phát sinh cước trong 60 ngày” là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.

 

Nếu hai bên không thỏa thuận về vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì hành vi của anh cũng không thuộc trường hợp bên cung ứng được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng tức là bên cung ứng dịch vụ đã có hành vi vi phạm. Lúc này anh có thể yêu cầu nhà mạng trả lại SIM và tiếp tục cung ứng dịch vụ cho mình hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty đó đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo