Phạm Việt Hằng

Tư vấn về việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với di sản thừa kế

Xin chào luật sư Minh Gia Cho tôi được hỏi nội dung sau: Gia đình tôi hiện nay còn sáu anh chị em, tất cả đều đã có gia đình và đã ở riêng, ba tôi đã mất cách đây sáu năm rồi, mẹ tôi hiện nay già yếu và đang đau lưng nên không đi lại được, chỉ nằm một chỗ.


Căn nhà của ba mẹ tôi hiện nay do người em út còn ở lại quê và đang ở đó, vừa ở và có nhiệm vụ trông coi thờ cúng. Sổ nghiệp chủ của căn nhà và đất đai do ba mẹ tôi đứng tên, nhưng ba tôi đã mất, còn mẹ tôi hay đau ốm nên cách đây vài năm đã ra thành phố ở với tôi và cũng đã chuyển hộ khẩu ra để tiện cho việc khám chữa bệnh. Thực chất nhà và đất trong quê cũng không có giá lắm nên cũng không có chuyện phân chia tài sản, tất cả đồng ý cho cậu em út ở lại quê được hưởng toàn bộ đất đai nhà cửa đó. Nhưng cũng để tiện cho việc quản lý và có trách nhiệm nghĩa vụ với pháp luật nên đề nghị cậu em út đến xã làm sổ sang tên, thì xã yêu cầu phải có biên bản họp gia đình và tất cả thành viên trong gia đình đồng ý ký vào thì mới được. Nhưng các anh em đều ở xa, và thủ tục thì không thể nói là xong được, nên chỉ thống nhất miệng với nhau thôi. Như vậy thì hỏi luật sư có sang tên được không, và có cách nào sang tên cho cậu em út từ sổ mà mẹ tôi đứng tên một cách đơn giản nhất. Hiện nay là như vậy, nhưng đề phòng trường hợp có một người con vì lý do gì đó không chịu ký vào biên bản thì làm sao để giải quyết cho thuận lợi nhất. Hộ khẩu và căn nhà đất đai mà mẹ tôi và ba tôi đứng tên đó (ba tôi đã mất) thì hiện nay chỉ còn mình cậu em út đứng tên thôi. Xin cảm ơn Luật Sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia.

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng mảnh đất và căn nhà thuộc quyền sở hữu của bố mẹ bạn. Nhưng bố bạn đã mất, em út bạn hiện giờ đang là người quản lý, sử dụng mảnh đất và nhà gắn liền với đất (thuộc di sản mà bố bạn để lại),  mẹ bạn cũng như các thành viên khác trong gia đình đều đồng ý chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất cho người em út.

Căn cứ quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 về thừa kế, các thành viên trong gia đình muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho người em út thì các thành viên trong gia đình cần viết 1 bản thỏa thuận về sự đồng ý trên của tất cả mọi người về việc chuyển nhượng và có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình. Trong bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất đó, các thành viên trong gia đình (mẹ bạn và tất cả các anh em trong gia đình bạn) phải ghi rõ về việc từ chối nhận di sản và giao di sản cho người quản lý có toàn quyền sở hữu với tài sản đó. Khi đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho người em út của bạn mới hợp pháp. Nếu các thành viên trong gia đình ở xa không thể gặp nhau để cùng lập văn bản thỏa thuận, các thành viên trong gia đình có thể viết một văn bản xác nhận gửi về cho người em út: nội dung viết về sự đồng ý của mình đối với việc đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người em út, từ chối nhận di sản và văn bản này phải được công chứng.

Nếu trường hợp một thành viên nào đó trong gia đình không đồng ý ký vào văn bản thỏa thuận thì không thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho em trai bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

 

 

Trân trọng
C.V: Phùng Thị Bảo Nhung – Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo