Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về vấn đề thừa kế tài sản

Kính gửi Luật sư. Năm 1970, bà nội em mất. Năm 1971, ông nội em làm văn bản ủy quyền toàn bộ khối tài sản của ông nội cho ba em chỉ huy, coi sóc, quản lý được phòng chưởng khế chế độ cũ chứng nhận.

 

Năm 1972, ông nội làm văn bản công tri chứng thư về cái chết của bà nội tại phòng chưởng khế. Xác nhận ông nội là thừa kế duy nhất của bà nội mà thôi. Năm 1973, một người bác mất do chiến tranh, không vợ và con. Năm 1978, ông nội em mất. Khi mất có 7 người con trai (bao gồm ba em và người bác đã mất 1973). Năm 1982, ba em cùng 4 người bác đến sở tài chính khai di sản của ông nội và đóng phí trước bạ 7 ngôi nhà thuộc khối tài sản ông nội đã ủy quyền cho ba năm 1971. Năm 1993, một người bác mất, không vợ và con. Năm 1994, bốn người bác và một người chú đã làm văn bản ủy quyền cho ba em được đại diện đứng tên chủ động giải quyết khối tài sản của ông nội và không tranh chấp, được UBND phường xác nhận. Năm 1997, ba em mất, chưa để lại di chúc, em là một trong những người thừa kế hàng thứ nhất phần di sản của ba em. Năm 2007, một người bác mất, không vợ và con. Năm 2013, một người bác mất, không vợ và con. Năm 2014, một người chú mất, không vợ và con. Hiện nay, còn một người bác còn sống, mới lấy vợ, không có con chung nhưng có 2 người con riêng của vợ với chồng trước. Vậy em xin hỏi luật sư trường hợp vậy,  bác em có làm GCN quyền sở hữu nhà bác đang ở của ông nội được không? Có quyền bán nhà đó không? Sau này, bác mất, vợ bác có quyền gì không trong tài sản này? Tụi em có quyền lợi gì không? Vợ của bác nói: tờ khai di sản năm 1982 có tên chồng cô nên là của cô. Đặc biệt, ba con chết trước những người kia nên chỉ được một phần của ba con. Còn lại các phần kia của cô hết nếu bác trăm tuổi già. Em xin cảm ơn Luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì đất và nhà trên đất này có nguồn gốc do bố bạn và các anh em của bố bạn được nhận thừa kế. Tuy nhiên, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bác và chú của bạn đã ủy quyền cho bố bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì bạn không nói rõ nội dung ủy quyền và hiện nay trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện nội dung thế nào nên chúng tôi chia ra làm 2 trường hợp sau:

 

- Trường hợp 1: Quyền sử dụng đất và nhà được đăng ký tên của bố bạn và hiện nay Giấy chứng nhận chỉ thể hiện tên của bố bạn. Khi đó, bố bạn mới được công nhận là chủ sở hữu quyền sử dụng và đương nhiên có toàn quyền sử dụng, định đoạt. Việc phân chia đất và nhà đó hoàn toàn do 2 bên thỏa thuận, nếu như không thỏa thuận được thì bác của bạn cũng không có căn cứ để khởi kiện.

 

Như vậy, tài sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn khi còn sống. Nay bố bạn mất và không để lại di chúc, tài sản đó sẽ được thừa kế theo pháp luật theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.

 

- Trường hợp 2: Bố bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận với tư cách là người đại diện cho các đồng thừa kế, theo Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT thì: Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà khi cấp Giấy chứng nhận chưa phân chia thừa kế cho từng người thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế. Việc cử người đại diện ghi tên vào Giấy chứng nhận phải bằng văn bản thỏa thuận của những người được thừa kế đã xác định (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật). Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất".

 

Như vậy, nếu Giấy chứng nhận ghi tên bố của bạn và ghi rõ "là người đại diện của những người được thừa kế" thì bố của bạn không phải là chủ sở hữu duy nhất quyền sử dụng đất đó mà thửa đất được xác định là tài sản chung được thừa kế của anh em bố bạn. Khi đó, bác của bạn với tư cách là một trong những đồng sở hữu có quyền yêu cầu chia tài sản thuộc sở hữu chung.

 

Việc chia tài sản thuộc sở hữu chung được quy định tại Điều 219 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

 

1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

 

Như vậy trong trường hợp 2, nếu có tranh chấp, bác bạn có thể yêu cầu chia tài sản này. Khi bác bạn mất, nếu có tranh chấp thì vợ và các con riêng của bác bạn có quyền yêu cầu chia tài sản này vì họ là người thừa kế theo pháp luật, thừa kế các quyền và nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật hôn nhân gia đình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo