Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về vấn đề lãi suất trong hợp đồng tín dụng

Kính gửi Luật sư! Tôi kính mong Luật sư giúp giải đáp vấn đề sau: Tôi có người em có vay tiền mặt của 1 Công ty tài chính số tiền 30 triệu đồng, lãi suất 7%/tháng (tương đương 84%/1 năm), thời hạn 24 tháng.

 

Em của tôi trả được 12 kỳ thì hết khả năng thanh toán nên bị Công ty tài chính chấm dứt hợp đồng vay và yêu cầu phải thanh toán toàn bộ số tiền còn lại trong thời hạn 10 ngày.Tôi tìm hiểu thông tin trên mạng và thấy pháp luật có quy định:

"Bộ luật dân sự ở Điều 476. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ".

Khoản 2, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010:

"2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật"

* Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, tại Điều 1 Quyết định 2868/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/năm và lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 13,5 : 12 = 1,125%/tháng.

Kính thưa Luật sư!Tôi không am hiểu sâu về pháp luật. Về cơ bản tôi thấy rằng lãi suất theo hợp đồng vay tiền mặt giữa em tôi và công ty tài chính vượt rất nhiều lần so với quy định cho phép của điều 476 Bộ luật dân sự Việt Nam, nghĩa là hai bên ký kết hợp đồng trái luật. Theo sự hiểu biết của tôi qua mạng xã hội thì hợp đồng trái luật sẽ bị coi là vô hiệu.Tôi thấy 1 số bình luận của các chuyên gia trên mạng rằng việc công ty tài chính cho vay lãi suất cao vẫn hợp pháp vì căn cứ vào Khoản 2, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 cho phép "Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của PHÁP LUẬT". Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi thì lời văn của điều 91 quy định rất rõ là hai bên có quyền thỏa thuận lãi suất nhưng phải theo QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT và theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định của pháp luật chính là quy định tại Điều 476 Bộ luật Việt Nam chứ không thể có chuyện thỏa thuận bao nhiêu cũng được, chả lẽ thỏa thuận vay lãi suất 30 hay 40% hay thậm chí cao hơn nữa cũng được hay sao? Và theo tôi nghĩ đã là theo quy định của pháp luật thì mức lãi thỏa thuận không được vượt quá 13,5%/1 năm, vượt quá mức này là phạm pháp.

Vậy, tôi kính xin Luật sư tư vấn giúp tôi:

1. Lãi suất công ty tài chính cho vay như thế là có trái luật không?

2. Em của tôi có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu và hủy hợp đồng vay vì lãi suất thỏa thuận trái pháp luật hay không? Số tiền em tôi đã trả được 12 kỳ vượt trên 30 triệu đồng, vậy nếu hợp đồng vô hiệu thì có được xem đã trả đủ tiền rồi chưa.

Tôi chân thành cảm ơn và kính chúc Luật sư mạnh khỏe, thành công trên sự nghiệp bảo vệ công lý!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi cho chúng tôi, với tình huống của bạn Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về mức lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng vay

 

Theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định:

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

 

Như vậy, hiện tại lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo BLDS năm 2015 không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng).

 

Trong trường hợp của bạn thì người em của bạn tiến hành vay tiền tại một tổ chức tín dụng với mức lãi suất lên tới 84%/năm. Ngoài chịu sự điều chỉ của BLDS 2015 thì còn phải xem xét tai Luật Tổ chức tín dụng 2010 (TCTD) và Thông tư 39/2016/TT-NHNN  quy định về hoạt động vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng:

 

Vấn đề đặt ra ở đây đó là việc tổ chức tín dụng có được cho vay vượt quá 20%/năm hay không?

 

Căn cứ vào khoản 2 Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng quy định: “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”

 

Hơn nữa, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định: "Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này."

 

Như vậy, theo những quy định chuyên ngành thì hiện tại pháp luật công nhận về mức lãi suất mà các bên thỏa thuận . Do đó, thì đối với trường hợp trên, việc công ty tín dụng cho em bạn vay tiền với mức lãi suất 84%/năm (7%/tháng) phù hợp với quy định của pháp luật, trừ trường hợp trong điều lệ của công ty tín dụng đó có quy định cụ thể về mức lãi suất cho vay.

 

Thứ hai, Về vấn đề hợp đồng trên vô hiệu và hủy hợp đồng vay được không?

 

Đối với trường hợp của em bạn thì nếu công ty tín dụng không có quy định khác về mức lãi suất thì hợp đồng vay trên sẽ vẫn có hiệu lực.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp công ty tín dụng quy định về mức lãi suất thấp hơn 84%/năm thì hợp đồng tín dụng đó sẽ bị vô hiệu từng phần theo Điều 130 BLDS 2015:

 

“Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.”

 

Như vậy,  đối với trường hợp này thì Hợp đồng vay trên chỉ bị vô hiệu về phần lãi suất, các điều khoản khác của hợp đồng vẫn có hiệu lực và em bạn không thể tiến hành hủy bỏ hợp đồng được mà vẫn phải tuân thủ những nội dung còn lại của hợp đồng như thời hạn trả nợ và các nghĩa vụ khác. Tức là em bạn vừa phải trả khoản nợ 30 triệu đồng cùng theo lãi của nó, tuy nhiên mức lãi suất trong trường hợp này sẽ áp dụng tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.” Theo quy định này mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp sẽ là 10%/01 năm (tức 0,83%/tháng).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo