LS Vy Huyền

Tư vấn về trường hợp chia thừa kế theo pháp luật

Nội dung cần tư vấn: Kính gửi công ty Luật Minh Gia. Em xin nhờ luật sư tư vấn về trường hợp của gia đình em về trường hợp chia thừa kế theo pháp luật khi xuất hiện chi phí mai táng và thừa kế thế vị như sau:

 

Cha em vừa mới qua đời. Cha em có 1 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng vừa mói gửi được 2 tháng. 2 giấy tờ sử dung đất từ ngày xưa. trong đó 1 giấy mang tên ông và 1 giấy mang tên mẹ đẻ ông.. Khi ông mất không để lại di chúc.

Nhà em có 10 người anh chị em, 1 người chị bên nước Nga, 1 người anh trai đã chết năm 2014. Mẹ đẻ em là vợ 2 của cha em và có 1 mình em.Các anh chị đã lập gia đình và đã tách riêng ra khỏi hộ khẩu và xây dựng nhà riêng trên đất của ông. Hiện tại chỉ có mình e và vợ con em còn trong hộ khẩu đó. Mẹ em cũng đã tách riêng ra 1 hộ khẩu khác. Có nhiều mâu thuẫn nên viêc phân chia trong gia đình không được đồng nhất.Do kinh tế gia dình không được dư giả, cũng như thời gian cấp bách nên Mẹ em muốn rút sổ tiết kiệm kia (100.000.000 Đ) để lo việc thờ cúng cho cha em và phân chia tài sản cho các con.

Vậy em xin được tư vấn qua thư điện tử về trường hợp của gia dinh em thủ tuc như thế nào cách thúc phân chia ra sao. Xin chân thành cảm ơn rất nhiều.

 

>> Tư vấn quy định pháp luật về chia thừa kế, gọi 19006169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Thứ nhất, cha bạn qua đời không để lại di chúc. Vì thế di sản của ông để lại sẽ được chia theo pháp luật. Bạn cần xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố, sau đó những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ tiến hành họp mặt để thỏa thuận chia di sản của bố. Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản và phải thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. Chị bạn đang ở nước ngoài thì vẫn có thể ủy quyền cho người khác hoặc về nướcđể tiến hành thỏa thuận. Anh bạn đã mất trước bố bạn thì các con của anh sẽ được hưởng thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 tức là sẽ được hưởng phần di sản mà đáng nhẽ ra khi còn sống anh trai bạn sẽ được hưởng:

 

Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị:

 

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

 

Sau khi đã có văn bản thỏa thuận thì gia đình bạn có thể thực hiện thủ tục sang tên cho những người thừa kế và nhận khoản tiền mà bố bạn đã gửi tại ngân hàng. Nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Chi phí dùng vào việc thờ cúng sẽ được ưu tiên thanh toán trước khi phân chia di sản thừa kế cho những người thừa  kế (Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015).

 

Với quyền sử dụng đất của bà bạn chưa được chia cũng thực hiện tương tự như việc phân chia di sản của bố bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trường hợp chia thừa kế theo pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

Luật gia: Trần Hoàng Việt – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo