Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về thuê xe không trả đúng hạn và chậm trả tiền thuê xe.

Em có mua 1 chiếc ô tô trả góp tại ngân hang Bạn của chồng em thuê nhưng lúc đầu thỏa thuận miệng là thuê 15 ngày nên không viết giấy tờ gì. Sau 15 ngày, cô ấy không trả xe cũng không thanh toán tiền, mà đề nghị thuê 3 tháng. Chồng em đồng ý cho thuê với giá 20,000,000 VND/ tháng và chỉ có giấy viết tay ghi là mượn xe. Đến nay đã quá hạn trả xe hơn 2 tháng -> tổng thời gian thuê xe là hơn 5 tháng. Cô ấy mới thanh toán cho gia đình em hơn 50 triệu (chưa đủ 3 tháng tiền xe) và vẫn chưa trả lại xe

 

 

Sau khi vợ chồng em dọa báo công an thì cô ấy xin khất với lý do là đã mang xe nhà em đi thế chấp cho bạn của cô ấy để lấy xe LEXUS cầm cố lấy tiền và chưa có tiền rút LEXUS nên không rút xe trả nhà em được. Bây giờ em làm như thế nào để có thể lấy lại xe? EM nên trình báo công an hay trình báo ngân hàng nơi cấp tín dung cho em? Nếu trình báo thì bạn chồng em có bị truy cứu hình sự vì tội chiếm đoạt tài sản không? Rất mong anh chị luật sư giải đáp giúp em Em cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê (theo điều 472 bộ luật dân sự 2015). Như vậy, pháp luật không quy định về hình thức của hợp đồng thuê tài sản, các bên có thể lựa chọn hình thức của hợp đồng thuê: bằng lời nói, bằng văn bản… Do đó, hợp đồng thuê xe ô tô giữa vợ chồng bạn và người kia là hợp pháp. Thời hạn thuê, tiền thuê, phương thức thanh toán giá trị tài sản thuê do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê. 

 

Theo Điều 482 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trả lại tài sản thuê:

 

“1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.

2. Trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp tài sản thuê là gia súc thì bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.

4. Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.

5. Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.”

 

Như vậy, khi hết thời hạn thuê thì bên thuê phải có trách nhiệm trả lại tài sản thuê, thanh toán tiền thuê theo đúng thỏa thuận. Trong trường hợp bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.

 

Nếu bên thuê vẫn không trả lại tài sản khi vợ chồng bạn có yêu cầu thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi mà người đó cư trú để yêu cầu trả lại tài sản thuê và tiền thuê, tiền thuê do chậm trả. Kèm theo đơn khởi kiện bạn phải cung cấp chứng cứ về hợp đông thuê, thỏa thuận tiền thuê và thời hạn thuê (người làm chứng, đoạn ghi âm, ghi hình) và chứng cứ người kia cầm giữ tài sản của bạn.

 

Căn cứ theo Điều 139* bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
…”

 

Người nào bằng thủ đoạn gian dối: đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao) có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Và theo Điều 140* bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

 

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Người nào thông qua hành vi vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

 

Nếu người thuê tài sản có đủ dấu hiệu cấu thành của tội phạm theo quy định trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh và mức hình phạt tương ứng. Theo những thông tin ban đầu mà bạn cung cấp thì người kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 
 

Bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an để yêu cầu giải quyết. Kèm theo đơn tố giác là các chứng cứ, tài liệu kèm theo về hợp đồng thuê, thỏa thuận thời hạn thuê, phương thức thanh toán và căn cứ người kia mang xe của bạn đi cầm cố, thế chấp…

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!
Cv: Vũ Nga – Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo