Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về thừa kế theo di chúc trong đó một phần di sản dùng vào việc thờ cúng

Hiện tại ông nội tôi muốn dành riêng ra một khoản tiền để dưỡng già, và chưa có ý muốn phân chia tài sản. Ông tôi vẫn sẽ tiếp tục sử dụng khoản tiền 1 tỷ còn lại để chữa bệnh và ăn uống hàng ngày. Ông tôi vẫn lập di chúc, thì việc lập di chúc bây giờ có cần những lưu ý gì không ạ? Và nguyện vọng chính của ông sau khi mất muốn giữ lại căn nhà mới xây để thờ phụng. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin kính chào quý luật sư! Ông bà nội tôi xưa nay sống trong căn nhà của tổ tiên để lại, có với nhau tất cả 9 người con (8 trai 1 gái). Có 2 người con trai trong số đó chưa có nhà riêng, nên sống với ông bà cùng vợ và các con. Còn những người con còn lại đều đã lập gia đình và có nhà riêng. 3 năm trước, bà nội tôi qua đời, và ông nội vẫn tiếp tục sống cùng 2 người con trai. Năm ngoái, ông nội tôi bán căn nhà tổ tiên với giá trị 3,3 tỷ đồng, mua đất và xây nhà mới hết 1,4 tỷ, còn lại 1,9 tỷ. Với 1,9 tỷ còn lại, ông nội tôi đã tạm chia cho các con mỗi người 100 triệu nên số dư còn lại là 1 tỷ. Vì mâu thuẫn gia đình nên hiện giờ nhũng người con đang tranh giành với nhau về số tài sản còn lại (1tỷ đồng và căn nhà mới xây). Theo ý ông nội, ông muốn giữ lại căn nhà cho người con út để thờ phụng tổ tiên, nên muốn lập di chúc. Tôi phận là con cháu, nhưng muốn nhờ sự giúp đỡ của quý đoàn luật sư, tham vấn giúp tôi để tôi có thể góp ý lại với ông nội: - Giả thiết 1: Tài sản của tổ tiên để lại là của chung vợ chồng ông bà nội. Nhưng vì bà nội qua đời đột ngột, nên theo luật (theo tôi được biết) là 1/2 phần tài sản chung thuộc về các con. Các con vì thế gây áp lực cho ông nội tôi, muốn được chia đều phần tài sản (tức 3,3/2 = 1,65 tỷ chia đều cho 9 người con, mỗi người sẽ tầm 180 triệu). Vậy nếu bây giờ ông nội tôi tiếp tục chia cho các con mỗi người 80 triệu, thì có được toàn quyền quyết định số tài sản còn lại thông qua việc lập di chúc hay không? - Giả thiết 2: Phân chia tài sản sau khi ông mất. Vì hiện tại ông nội tôi muốn dành riêng ra một khoản tiền để dưỡng già (nên mới tạm chia mỗi đứa con 100 triệu), và chưa có ý muốn phân chia tài sản (theo đủ 1/2 tài sản của bà nội). Ông tôi vẫn sẽ tiếp tục sử dụng khoản tiền 1 tỷ còn lại để chữa bệnh và ăn uống hàng ngày. Ông tôi vẫn lập di chúc, thì việc lập di chúc bây giờ có cần những lưu ý gì không ạ? Và nguyện vọng chính của ông sau khi mất muốn giữ lại căn nhà mới xây để thờ phụng. Tôi xin chân thành cảm ơn quý đoàn luật sư, và mong sớm nhận được hồi âm.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Nếu căn nhà tổ tiên để lại là tài sản chung của ông bà nội thì khi bà mất, tài sản chung này được chia đôi và một nửa căn nhà trở thành di sản thừa kế. Vì bà không để lại di chúc nên di sản này được chia đều cho những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm: ông và 9 người con.

 

Lúc này ông sẽ có quyền định đoạt với một nửa căn nhà và một phần di sản thừa kế được hưởng từ bà. Ông chỉ có thể định đoạt toàn bộ di sản nếu những người thừa kế khác từ chối nhận di sản thừa kế của bà.

 

Về việc phân chia di sản sau khi ông mất

 

Nếu ông mất mà không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì phần tài sản chung của ông bà sẽ được chia đều cho các người con. Trong trường hợp ông muốn định đoạt di sản thông qua di chúc thì cần có một số lưu ý sau:

 

Thứ nhất, điều kiện hợp pháp của di chúc được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

 

-Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

+Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

+Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

-Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

-Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

 

Thứ hai, Nội dung của di chúc:

 

-Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản.

 

-Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

 

-Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

 

Thứ ba, ông anh có thể để lại căn nhà mới xây dùng vào việc thờ cúng

 

Khi lập di chúc ông có thể để lại một phần di sản là căn nhà mới dùng vào việc thờ cúng và theo quy định của pháp luật thì phần di sản này không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người  khác quản lý để thờ cúng.

 

Nếu ông không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

 

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo