Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về thế chấp QSDĐ của hộ gia đình để vay tiền của cá nhân

Ngày 05/10/2011 bố mẹ tôi có vay tiền của ông S, hai bên đã thực hiện hợp đồng vay tiền và thế chấp tài sản tại văn phòng công chứng, nội dung như sau: Số tiền vay: 965 triệu đồng; bên cho vay: ông S; bên vay: ông H, bà B ( là tên bố mẹ tôi); tài sản thế chấp: là thửa đất mang tên hộ gia đình tôi
Nội dung đề nghị tư vấn:

Ngày 05/10/2011 bố mẹ tôi có vay tiền của ông S, hai bên đã thực hiện hợp đồng vay tiền và thế chấp tài sản tại văn phòng công chứng, nội dung như sau: Số tiền vay: 965 triệu đồng; bên cho vay: ông S; bên vay: ông H, bà B ( là tên bố mẹ tôi);  tài sản thế chấp: là thửa đất mang tên hộ gia đình tôi ( gia đình tôi gồm: bố mẹ tôi, tôi và em trai tôi); Thời hạn vay: 4 năm. Cả gia đình tôi gồm: bố mẹ tôi, tôi và em trai tôi đều ký tên vào hợp đồng. Tôi và em trai tôi ký vào hợp đồng để đồng ý cho bố mẹ tôi thế chấp tài sản, tôi và em trai tôi không có tên trong hợp đồng vay tiền.
Hết thời hạn vay nếu bố mẹ tôi chưa trả được nợ thì bên cho vay có thể phát mại tài sản thế chấp. Hợp đồng vay tiền được công chứng viên công nhận đóng dấu.

Một thời gian sau: bố mẹ tôi có vay một khoản nợ khác, bị kiện ra toà đòi tiền, thi hành án kê biên và cưỡng chế thửa đất mà bố mẹ tôi đã thế chấp. Do khi thế chấp tài sản bên cho vay là ông Sáu: ông Sáu đã giữ sổ đỏ của thửa đất nhưng chưa làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo nên thi hành án đã cưỡng chế thửa đất trên cho người được thi hành án. Như vậy: thửa đất mà bố mẹ tôi đã thế chấp không còn nữa. Tôi và em trai tôi có làm đơn khiếu nại lên cơ quan thi hành án để đòi quyền lợi của chị em tôi trong thửa đất, thi hành án trả lời: tại thời điểm thửa đất trên được cấp sổ đỏ, tôi và em trai tôi chưa đủ 15 tuổi nên không được hưởng quyền lợi của thửa đất.

Đến hạn của hợp đồng vay tiền là ngày 05/10/2015, bố mẹ tôi chưa trả được số nợ đã vay. Ông Sáu đã làm đơn kiện ra toà để đòi tiền. Ông S kiện bố mẹ tôi và kiện cả hai chị em tôi để đòi tiền.

Như vậy: A/C cho tôi hỏi: ông S kiện cả gia đình tôi như thế là đúng không? Tôi và em trai tôi không phải là đối tượng vay tiền thì có phải trả nợ mà bố mẹ tôi đã vay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo điều 3, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm có quy định như sau:

“Điều 3. Đối tượng đăng ký

1. Các giao dịch bảo đảm sau đây phải đăng ký:

a) Thế chấp quyền sử dụng đất;

b) Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng;

c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

d) Thế chấp tàu biển;

đ) Các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định…”
 
Trong trường hợp này QSDĐ là của hộ gia đình, được các thành viên trong gia đình cùng ký tên vào hợp đồng vay tiền và thế chấp đã được công chứng. Tuy nhiên theo quy định này giao dịch về thế chấp quyền sử dụng đất phải được đăng ký giao dịch bảo đảm. Về nguyên tắc giao dịch bảo đảm là thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp. Việc cá nhân với cá nhân thực hiện việc vay tiền có thế chấp quyền sử dụng đất và đã được công chứng, nhưng không thực hiện việc đăng ký thế chấp, thì giao dịch bảo đảm này chưa có hiệu lực pháp luật. Mặt khác theo như bạn trình bày thì sau đó bố mẹ bạn có vay tiền không trả được, bị kiện ra Tòa án và bị áp dụng biện pháp kê biên và cưỡng chế thửa đất mà bố mẹ bạn đã thế chấp.

Do đó việc ông S Khi xét thấy cần khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì ông có thể kiện cả gia đình bạn để đòi lại số tiền đã cho gia đình bạn vay. Tuy nhiên tòa án sẽ không công nhận hiệu lực của hợp đồng vay tiền có thế chấp bằng quyền sử dụng đất này.

Về trường hợp thứ hai, do bạn và em trai bạn không phải là chủ thể của hợp đồng vay tiền có thế chấp bằng QSDĐ của hộ gia đình, mặt khác tại thời điểm ký hợp đồng vay hai bạn chưa thành niên nên bạn và em trai bạn sẽ không phải trả khoản tiền vay này. Mà bố mẹ bạn là người đã vay tiền của ông S thì sẽ phải trả lại tiền cho ông S nếu ông S có yêu cầu hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thế chấp QSDĐ của hộ gia đình để vay tiền của cá nhân. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV: Phan Ngọc Anh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo