Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về quyền thừa kế và chia thừa kế

Kính gửi phòng tư vấn luật. Tôi có thắc mắc về quyền thừa kế nhà như sau: Hiện gia đình tôi đang chung sống tại căn nhà (giấy tờ từ thời Pháp và đang chuẩn bị hợp thức hoá căn nhà) của ông bà nội để lại gồm có 7 người: 1 người Cô đã trên 70 tuổi, là chị ruột của Ba tôi (độc thân, không có con), 1 ông Bác đã gần 70 tuổi, là anh ruột của Ba tôi và vợ của Bác gần 60 tuổi (cưới nhau hợp pháp chưa đến 10 năm, không có con và cả 2 cũng không ai có con riêng), ba và mẹ tôi cũng đã trên 60 (có 2 đứa con

 Tôi là con lớn đã trên 30 và em trai gần 30 tuổi). Với hiện trạng gia đình trên và trong trường hợp Bác trai tôi mất mà không để lại di chúc, thì vợ của Bác ấy (tôi xin gọi là Bác Gái) sẽ thừa hưởng phần thừa kế căn nhà của Bác trai đã mất.

1. Bác Gái có được đem bà con riêng của Bác gái về ở chung trong căn nhà hiện tại hay không?

2. Bác gái có được quyền để di chúc lại cho bà con riêng (ví dụ là cháu ruột hoặc anh chị em ruột của Bác Gái) hay không?

3. Bác gái có được quyền để sang nhượng quyền thừa kế cho người khác hay không?

4.  Mặc dù là nhà thờ tự của dòng họ bên nội, ba tôi và người cô (thậm chí là Bác trai đã mất) cũng không đồng ý bán. Vậy bác gái có được quyền đòi bán căn nhà để chia phần không? Nếu được quyền đòi hỏi bán nhà để chia phần, mà Cô và Ba tôi không đủ tiền để trả cho phần thừa hưởng của Bác gái thì sẽ phải giải quyết thế nào?

5. Hiện nay gia đình tôi vẫn đang chung sống trong căn nhà do ông bà nội để lại này nhưng do có mâu thuẫn xảy ra nên phải làm thế nào để bác gái của tôi sau này không tranh chấp về ngôi nhà đang ở chung, xin được tư vấn? Rất cám ơn sự giúp đỡ tư vấn của văn phòng luật sư!

 

 

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn đã gửi đến cho công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: 

 

Do thông tin bạn cung cấp không nói rõ nên chúng tôi sẽ chia giúp bạn thành nhiều trường hợp để bạn có thể áp dụng vào vào trường hợp cụ thể của mình. 

 

Thứ nhất, như thông tin bạn cung cấp ở phần 4 thì đây là nhà thờ tự của dòng họ, nếu có đủ căn cứ để chứng minh rằng căn nhà là tài sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015: 

 

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

 

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

 

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

 

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

 

Khi căn nhà đã được xác nhận là di sản dùng vào việc thờ cúng thì sẽ không còn là di sản để chia thừa kế, những người đang sinh sống trong căn nhà có thể tiếp tục sinh sống, quản lý, có nghĩa vụ trông nom sử dụng mà không có quyền mua bán, sang tên, chuyển nhượng. Vì vậy, trong trường hợp này bác gái bạn không có quyền gì đối với căn nhà này nên không thể yêu cầu bán, chia thừa kế hay sang tên, chuyển nhượng cho người khác, bác gái bạn nếu muốn đưa ai đó vào sống chung trong căn nhà này cũng cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên còn lại. 

 

Thứ hai, nếu không có căn cứ chứng minh ngôi nhà là di sản được dùng vào việc thờ cúng:

 

 

Ở trường hợp này nếu không có căn cứ chứng minh thì căn nhà sẽ được xác định là di sản thừa kế của ông bà nội bạn để lại. Tuy nhiên, bạn không cung cấp thông tin ông bà nội bạn mất năm bao nhiêu? Có còn thời hạn để khởi kiện chia thừa kế không? Do đó, có các trường hợp có thể xảy ra như sau:

 

Trường hợp 1: Ông bà bạn mất từ ngày 01/01/2017:

 

Khi đó, nếu ông bà bạn mất mà không để lại di chúc thì tài sản của ông bà là di sản thừa kế. Theo Điều 651 BLDS 2015, những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau. Tức là bố bạn, bác bạn và những người con khác của ông bà mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau. Nếu bác bạn đã mất thì vợ của bác sẽ là người thay bác nhận phần di sản này.

 

Trường hợp 2: Ông bà bạn mất trước 01/01/2017

 

- Nếu ông bà nội bạn mất đã trên 10 năm, bây giờ giữa những người đồng thừa kế xảy ra tranh chấp về di sản thừa kế thì theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 tại Điều 645 về thời hiệu khởi kiện về thừa kế: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.” 

 

Như vậy, theo quy định này thì khi đã hết 10 năm thì không còn thời hiệu để chia thừa kế trừ trường hợp căn cứ Điểm A khoản 2.4 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTPngày 10/08/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định:



“2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế



A. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết…” 

 

Vì vậy, theo quy định trên thì khi hết thời hạn mười năm chỉ khi các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia hoặc trước đó có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế thì di sản đó mới có thể đem chia. Còn nếu hết thời hạn mười năm mà cũng không đủ điều kiện như đã nêu ở trên thì di sản không được đem chia nữa mà ai đang sử dụng, quản lý thì sẽ tiếp tục sử dụng, quản lý. 

 

- Nếu ông bà nội bạn mất chưa đến 10 năm và mất không để lại di chúc thì lúc này nếu có tranh chấp giữa những đồng thừa kế thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. 

 

Để phân chia di sản thừa kế của ông bà nội bạn theo pháp luật cần xác định được những người thừa kế thì theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 về người thừa kế theo pháp luật: 

 

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật 

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: 

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.” 

 

Theo quy định này thì những người được xác định là người thừa kế hàng thứ nhất của ông bà nội bạn sẽ bao gồm 3 người con của ông bà nội bạn: cô bạn, bác trai và ba bạn. Ba người này là những người đồng thừa kế được hưởng phần thừa kế bằng nhau và đều có quyền đối với căn nhà mà ông bà nội bạn để lại. Còn bác gái bạn, mẹ bạn và anh em bạn sẽ không được xác định là người thừa kế vì không nằm trong hàng thừa kế thứ nhất. 

 

Nhưng do bác trai bạn đã mất, nếu bác trai bạn mất sau khi ông bà nội bạn và không có con cái cũng không để lại di chúc thì lúc này di sản của bác bạn cũng được chia theo pháp luật và vợ của bác bạn sẽ là người được thừa kế bao gồm phần của bác trai bạn trong căn nhà trên. 

 

Trong cả hai trường hợp trên thì những người có quyền trực tiếp đối với căn nhà sẽ gồm cô bạn, bác gái và bố bạn.

 

Vì vậy áp vào từng câu hỏi của bạn thì:

 

Thứ nhất, dù bác gái bạn là đồng sở hữu căn nhà nhưng nếu không được sự đồng ý của các đồng sở hữu khác thì cũng không thể tự ý đưa người khác về ở chung trong căn nhà được. Tức là, nếu bác gái bạn có muốn đem con riêng về ở chung trong căn nhà hiện tại thì phải có sự đồng ý của cô bạn và bố bạn.  

 

Thứ hai, khi bác gái bạn được xác định là đồng sở hữu căn nhà thì bác gái bạn có quyền của đồng sở hữu là sang tên, chuyển nhượng, mua bán, tặng cho tài sản của mình bao gồm phần được thừa kế cho người khác nên trong trường hợp này bác gái bạn hoàn toàn có quyền để di chúc lại cho bà con riêng hoặc chuyển nhượng cho người khác trong phạm vi phần tài sản của bác bạn.  

 

Thứ ba, như đã phân tích trước đó thì nếu căn nhà này được xác định là nhà thờ tự của dòng họ thì bác gái bạn sẽ không có quyền đòi chia tài sản, hay đòi bán căn nhà. Còn nếu căn nhà này không đủ căn cứ để xác định là nhà thờ tự thì bác gái bạn có quyền đòi bán căn nhà để chia thừa kế, trường hợp bố và cô bạn muốn giữ lại căn nhà thì có thể thanh toán phần giá trị căn nhà cho bác gái bạn. Nếu cô và bố bạn không có đủ tiền mà bác gái bạn muốn nhận được phần của mình thì buộc phải bán căn nhà để chia di sản thừa kế.

 

Do bác gái bạn được xác định là người được hưởng di sản thừa kế nên đã trở thành người có quyền đối với căn nhà vì vậy bác gái có quyền đòi hỏi chia thừa kế và nhận được phần của mình. Vì thế, để tránh xảy ra mâu thuẫn thìgia đình nên ngồi lại bàn bạc với nhau để tìm ra cách giải quyết thỏa đáng nhất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quyền thừa kế và chia thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Nguyễn Thị Thủy – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo