Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về khởi kiện đòi lại tiền trong trường hợp vay có kì hạn

Luật sư cho hỏi về trường hợp cho người khác vay tiền theo hợp đồng có kì hạn và trả dần hàng tháng. Người vay tiền không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền hàng tháng, kiện đòi tài sản như thế nào? cụ thể như sau:

 

Tôi có cho 1 người quen vay số tiền 600 triệu, không tính lãi, có làm giấy tờ thỏa thuận ghi rõ, là cho trả góp mỗi tháng trả 10 triệu , sau 1 năm sẽ tăng số tiền trả hàng tháng lên ( nhưng không ghi là trả bao nhiêu) tới khi hết nợ thì thôi và giấy này khi làm không có chứng thực của địa phương hay công chứng.

Sau 1 năm phải đòi nhiều lần bạn tôi mới trả được 70 triệu, ( đúng ra phải là 120 triêu) và sang năm thứ 2 bạn không tăng số tiền trả hàng tháng và 2 tháng nay cũng chưa có trả thêm tiền. và thực sự người ta đang cố ý chây ỳ việc trả nợ chứ không phải do hoàn cảnh kinh tế ( có nhà và xe ôtô hạng sang đứng tên chính chủ, và hiện đang là giám đốc cty làm ăn tốt).

Bản thân tôi năm nay 63 tuổi,không có chồng và con, bị bệnh nan y có thể chết bất cứ lúc nào,( tôi bị bênh tim bẩm sinh, phẫu thuật 2 lần và mới đột quỵ ) anh chị và các cháu định cư bên nước ngoài. hiện tôi sống có 1 mình, không có thêm khoản thu nhập hàng tháng nào, ngoài trông chờ vào số tiền bạn trả hàng tháng để sinh sống và chữa bệnh.

Vậy tôi xin hỏi những vấn đề sau :

1/ Giấy thỏa thuận có ghi trả hàng tháng 10 triệu, sau 12 tháng tăng số tiền trả, chứ không có chi tiết thời hạn phải trả. Nhưng hiện nay bạn tôi không thực hiện đúng như thỏa thuận - không trả tiền hàng tháng,  không tăng số tiền phải trả, vậy tôi có thể khởi kiện ra tòa đòi số tiền không? Và nếu khởi kiện thì tôi chỉ được khởi kiện đòi số tiền bạn còn thiếu ở việc trả hàng tháng ( thiếu 50 triệu và 2 tháng ) hay có thể khởi kiện đòi toàn bộ số tiền còn thiếu ( 550 triêu) do bạn không làm đúng theo thỏa thuận, hoặc do lý do sức khỏe tôi không thể đợi tới khi bạn trả góp hàng tháng.

2/ Vấn đề án phí khi khởi kiện sẽ tính như thế nào? nếu tôi chỉ được kiện đòi số tiền thiếu 50 triệu và yêu cầu thực hiện đúng thỏa thuận thì án phí tính theo mức tiền này, hay tính theo tổng số tiền còn nợ và tính như thế nào.

Tôi biết khi khởi kiện tôi là người phải nộp án phí, ví dụ khi kiện tòa phán quyết bạn tôi phải thanh toán số tiền thiếu 50 triệu và phải làm đúng thỏa thuận thì khi đó ai là người phải chịu tiền án phí đó?

3/ Do hoàn cảnh neo đơn và sức khỏe yếu, nên tôi muốn khi khởi kiện sẽ ủy quyền cho 1 người cháu họ thay tôi xử lý toàn bộ việc này. nhu vậy có được không? và tôi muốn nếu khi tòa đưa ra phán quyết thì người cháu này từ nay về sau sẽ là người thụ hưởng và toàn quyền sử dụng và đòi số tiền này có được không? hay vẫn phải đứng tên tôi là chủ nợ ? Bởi bạn tôi thực sự đang làm khó dễ , nói nợ tiền tôi và chỉ biết có tôi, không chịu làm giấy nợ sang tên cho cháu tôi.

4/ kể từ khi nộp đơn khởi kiện và các giấy tờ liên quan thì chậm nhất thời gian bao lâu tòa án phải giải quyết cho tôi? và có thể cho tôi biết qua về quá trình giải quyết ko? tôi và người nợ tiền cùng thường trú tại thành phố X

Đây là toàn bộ hoàn cảnh và mong muốn của tôi, kính mong quý luật sư đọc và tư vấn thuận lợi nhất cho tôi. Nếu có thể thì cho tôi xin mẫu đơn khởi kiện trong trường hợp này hoặc nếu luật sư soạn đơn thì mức phí là bao nhiêu ?

Tôi xin chân  thành cảm ơn !
 

Tư vấn về khởi kiện đòi lại tiền trong trường hợp vay có kì hạn
 

>> Tư vấn khởi kiện đòi tiền cho vay, gọi 19006169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa 2 bên và được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Trong trường hợp này, 2 bên đã giao kết hợp đồng vay tài sản với nhau theo quy định tại Điều 463 BLDS 2015:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Mặc dù hợp đồng vay tài sản của 2 bên không được công chứng, chứng thực nhưng nếu hợp đồng không vi phạm quy định về nội dung hợp đồng, năng lực chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng cũng như không thuộc trường hợp bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản giữa 2 bên vẫn có hiệu lực pháp luật và có nghĩa vụ buộc các bên phải tuân thủ.

 

Thứ nhất, tuy hợp đồng vay tài sản giữa 2 bên không xác định rõ thời điểm thanh toán hết nghĩa vụ trả tài sản nhưng có thỏa thuận về việc trả tiền hàng tháng đến khi hết nghĩa vụ nên hợp đồng vay tài sản giữa 2 bên được xác định là hợp đồng vay có kì hạn và việc thực hiện hợp đồng vay có kì hạn được quy định tại điều 469 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”

 

Do đó, đối với hợp đồng này bác không thể đòi lại toàn bộ tài sản của mình mà bác chỉ có thể đòi lại tiền cho vay mà bên vay có nghĩa vụ phải thực hiện (trả tiền hàng tháng) nhưng chưa thực hiện và có thể yêu cầu bên vay tiền bồi thường thiệt hại nếu có những thiệt hại thực tế xảy ra mà nguyên nhân là do bên vay tiền không trả tiền đúng thời hạn vì khi giao kết hợp đồng 2 bên không có thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng theo như quy định tại Khoản 1 Điều 423 BLDS 2015:

 

“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

 

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

 

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

 

c) Trường hợp khác do luật quy định.”

 

Lý do sức khỏe của bạn cũng không phải là điều kiện để hợp đồng vay tài sản giữa 2 bên chấm dứt theo quy định tại điều 422 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

 

1. Hợp đồng đã được hoàn thành;                  

 

2. Theo thỏa thuận của các bên;

 

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

 

4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

 

5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;

 

6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;

 

7. Trường hợp khác do luật quy định.”

 

Đối với việc chậm trả nợ trong trường hợp vay không có lãi thì bên vay phải thanh toán khoản nợ chậm nếu 2 bên có thỏa thuận theo quy định tại Khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

 

Thứ hai, về án phí

 

Trong trường hợp bạn khởi kiện yêu cầu người có nghĩa vụ trả tiền thì do bạn là nguyên đơn nên bạn có nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH14 như sau:

 

“1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Nghị quyết này.”

 

Về mức án phí mà bạn phải chịu được quy định tại Khoản 2, Điều 27 Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH14 quy định về Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể:

 

“2. Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

 

a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;

 

a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.”

 

Về nghĩa vụ phải chịu án phí sơ thẩm được quy định tại Điều 26 Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH14quy định:

 

“Điều 26. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm

 

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

 

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

 

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

 

4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

...”

 

Như vậy, nếu yêu cầu của bạn được chấp nhận thì bên vay tiền sẽ phải chịu án phí sơ thẩm.

 

Thứ ba, về vấn đề ủy quyền tham gia tố tụng

 

Bác có thể nhờ người khác viết đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015:

 

“Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

 

Ngoài ra, nếu vì lí do sức khỏe mà bác không thể tham gia quá trình tố tụng dân sự thì bác có thể làm đơn ủy quyền cho cháu bác là người tham gia quá trình tố tụng dân sự thay cho bác nếu cháu bác đáp ứng đủ điều kiện đối với người ủy quyền theo quy định Khoản 4, Điều 85 BLTTDS 2015:

 

“4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

 

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”

 

Và khi đó cháu bác - người được ủy quyền được thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với người ủy quyền theo nội dung của văn bản ủy quyền.

 

Khi có quyết định của Tòa án thì bác vẫn là người được hưởng số mà bên vay phải trả, sau đó bác cho thể cho cháu bác số tiền này theo thỏa thuận giữa 2 người hoặc 2 người có thể thỏa thuận trước bằng văn bản, có chữ kí của cả hai xác nhận việc cho cháu bác số tiền được nhận khi có phán quyết của Tòa án.

 

Ngoài ra, bác cũng có thể có văn bản ủy quyền cho cháu bác về việc nhận số tiền cho vay còn lại và tặng cho cháu bác số tiền đó, văn bản được lập theo quy định của pháp luật.

 

Thứ tư, về thời hạn xét xử

 

Do đây là tranh chấp thuộc quy định của Điều 26 BLTTDS nên theo quy định tại Điều 203 về thời hạn xét xử:

 

“1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

 

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

 

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

 

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

...

3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

 

a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

 

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

 

c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

 

d) Đưa vụ án ra xét xử.

...”

 

Do đó, tùy theo tính chất phức tạp của vụ án mà thời hạn đưa vụ án ra xét xử sẽ được cơ quan Tòa án quyết định và có thông báo cho các đương sự.

 

Các nội dung trong đơn khởi kiện cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 BLTTDS:

 

“Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

...

4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

 

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

 

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

 

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

 

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

 

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

 

5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”

 

Ngoài ra, nếu bác quan tâm về các dịch vụ luật sư tham gia tố tụng thì bác có thể liên hệ trực tiếp để nhận được sự giúp đỡ.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 19006169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo