Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về di chúc để lại di sản là quyền sử dụng đất.

Gia đình tôi đang sống hiện tại gồm Tôi, con tôi và ông bà nội tôi (chung nhà, chung hộ khẩu). Vào đầu tháng 2 năm 2015 ‎ông nội tôi có đưa cho tôi giữ 1 bộ hồ sơ nhà đất mang tên "Hộ ông Ngô Văn N" và bản di chúc có nội dung là cho tôi và cô tôi mỗi người một nữa căn nhà (di chúc được lăn tay, ký tên của ông nội và bà nội tội có chứng thực rõ ràng).

 

Việc giao nhận này chỉ có tôi và ông nội tôi biết. Khoảng tháng 9 năm nay 2016 bất ngờ bà nội tôi làm đơn gởi UBND Phường 5 nơi tôi cư trú nói là tôi ăn cắp GCNQSDĐ và yêu cầu tôi trả lại (hiện tại ông nội tôi đã già và đã mất năng lực hành vi nhân sự).

 

 Nay tôi xin được tư vấn như sau:

 

1/ Tôi có bị buộc tội ăn cắp không và có bị buộc giao trả bộ hồ sơ mà ông nội tôi đã đưa cho tôi không?

2/ Tôi không giao trả lại GCNQSDĐ vì di chúc có phần của tôi, tôi sợ bà nội tôi đem nhà đi bán, như vậy có được không?

3/ Khả năng ra toà thắng kiện là bao nhiêu phần trăm?Tôi chân thành xin được tư vấn, cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp: "hồ sơ nhà đất mang tên "Hộ ông Ngô Văn Năm"". Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên được cấp cho hộ gia đình. Những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định là đồng chủ sử dụng, ông bạn là chủ hộ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, Ông chỉ có quyền lập di chúc tương ứng đối với quyền sử dụng đất của ông, nếu ông muốn để bạn thừa kế toàn bộ mảnh đất trên thì phải có sự đồng ý của tất cả đồng chủ sử dụng, trong đó có cả bà của bạn. Trong trường hợp, ông bạn tư lập di chúc không có sự đồng ý của những người khác thì bạn vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế của ông tương ứng với quyền sử dụng đất của ông trong hộ nếu di chúc hợp pháp.

 

Căn cứ theo Điều 652 bộ luật dân sự năm 2005 quy định về di chúc hợp pháp:

 

“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”

 

Như vậy, di chúc hợp pháp nếu ông bạn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Trong trường hợp đó bạn và cô bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế theo di chúc tương ứng với phần quyền sử dụng đất của ông. 

 

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 669 bộ luật dân sự 2005 người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

"Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động."

 

Như vậy, bà của bạn sẽ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự.

 

1. Dựa vào thông tin mà bạn đã cung cấp, thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp vì:

 

- Ông bạn lập di chúc đã có chữ kí của bà và có công chứng và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn tại thời điểm ông minh mẫn, sáng suốt và chưa mất năng lực hành vi dân sự.

 

- Để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản phải có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm: có hành vi lén lút trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên (theo quy định tại điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009). Mặt khác, theo quy định của bộ luật dân sự 2005 quy định thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản. Do đó, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bạn về tội trộm cắp tài sản. 

 

2. Bà bạn là một trong những người được quyền sở hữu chung quyền sử dụng đất, do đó bà bạn cũng có quyền yêu cầu bạn giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do chủ hộ là ông bạn đã mất năng lực hành vi dân sự). Tuy nhiên, khi bà bạn mua bán, chuyển nhượng, định đoạt quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của những đồng chủ sở hữu khác, nếu không có sự đồng ý thì bà bạn phải làm thủ tục tách thửa tương ứng với phần quyền sử dụng đất của mình.

 

3. Tòa án xét xử và ra phán quyết theo quy định của pháp luật. Tòa án sẽ dựa vào vào những chứng cứ, tài liệu và những giấy tờ các bên có thể cung cấp về di chúc hợp pháp, nội dung di chúc, việc giao nhận quyền sử dụng đất v.v..

 

Lưu ý: di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế chết. Nếu ông bà bạn cùng để lại di chúc chung cho bạn hưởng quyền sử dụng đất thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người sau cùng chết. Nếu di chúc trên chỉ mình ông bạn lập thì bạn chỉ được hưởng di sản sau khi ông mất. Nếu di chúc là di chúc chung của vợ chồng ông bà và hiện nay bà muốn thay đổi nội dung di chúc thì nội dung di chúc của ông vẫn có hiệu lực và bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế sau khi ông mất. Sau khi ông bạn mất bạn mới có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về di chúc để lại di sản là quyền sử dụng đất. . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo