LS Vy Huyền

Tư vấn về đặt cọc khi đi xuất khẩu lao động

Xin chào luật gia,xin Luật gia tư vấn : Ngày 15/11 tôi có gửi hồ sơ vào công ty xuât khẩu lao động .Và được công ty giới thiệu đi khám sức khỏe,chi phí này do tôi tự bỏ. Và được sức khỏe,tôi vào đặt cọc và viết giấy giới thiệu về bản thân,(form) nhưng tôi quên ko lấy hóa đơn nộp tiền ,vài hôm sau tôi hỏi hóa đơn thì người tuyển dụng gửi qua facebook cho tôi hình ảnh hóa đơn

 Ngày 21/11 tôi thi được đơn hàng gia công,nhưng chưa ký kết hợp đồng gì cả.Nhưng nay vì có vấn đề gia đình tôi không muốn đi nữa, Xin Luật gia cho tôi hỏi la tôi có lấy lại được tiền đặt cọc không.Tôi có hỏi người tuyển dụng thì anh ấy bảo ngoài mất 10tr,tôi còn phải nộp 600usd tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng.Xin hỏi vậy có đúng không.Mong Luật gia trả lời cho tôi với ah.


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có quy định:

“ c) Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).”

Như vậy, khi bạn không có nhu cầu đi làm việc nữa thì Công ty có trách nhiệm trả lại hồ sơ cho bạn và bạn phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp đã chi để làm thủ tục cho bạn (nếu có).

Về tiền đặt cọc
 
Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 quy định về đặt cọc như sau:

“ 1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”


Nếu giữa bạn và công ty có thỏa thuận đặt cọc và lập thành văn bản (hóa đơn nộp tiền) thì khi bạn từ chối việc đi xuất khẩu lao động thì khoản tiền bạn đã đặt cọc sẽ thuộc về phía bên công ty dịch vụ.

Trường hợp bạn và Công ty chưa ký kết hợp đồng nên Công ty không thể yêu cầu bạn bồi thường khoản tiền do vi phạm hợp đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về đặt cọc khi đi xuất khẩu lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv. Bùi Thúy Ngần

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn