Cao Thị Hiền

Tư vấn về đăng ký thường trú cho trẻ em

Câu hỏi: Tôi năm nay 37 tuổi, tôi kết hôn năm 2005. Chồng tôi là bộ đội đóng quân tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội. Nên khi kết hôn tôi không nhập khẩu về quê chồng tôi (Vĩnh Phúc) Tôi vẫn để tên mình trong Hộ khẩu ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Khi tôi kết hôn tôi có đăng ký hộ khẩu tạm trú dài hạn tại nơi tôi ở là xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Năm 2006 tôi có sinh con gái và năm 2011 tôi sinh thêm 1 cháu trai. Hiện nay cả 2 con của tôi chưa nhập khẩu vào đâu mà chỉ có tên trong sổ tạm trú dài hạn do tôi làm chủ hộ. Bây giờ tôi muốn nhập hộ khẩu cho 2 con của tôi về Cẩm Phả, Tỉnh Quảng Ninh (đó là hộ khẩu của Bố mẹ đẻ tôi ở đó) có được không? Nếu được thì thủ tục nhập khẩu như thế nào, tiền phạt do nhập khẩu muộn?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
- Thứ nhất, Bạn có thể nhập khẩu cho con bạn về hộ khẩu thường trú của bạn tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Theo quy định tại điều 13, Luật cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên:
 
 “Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên
 
1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
 
2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.”
 
- Thứ hai, Về thủ tục đăng ký thường trú:
 
Điều 21, Luật cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định về đăng ký thường trú như sau:
 
“Điều 21. Thủ tục đăng ký thường trú

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
 
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
 
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
 
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
 
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
 
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
 
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
 
Ngoài ra ở điều 6, thông tư 35/2014/TT-BCA, Thông tư Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú cũng quy quy định:
 
“Điều 6. Hồ sơ đăng ký thường trú
 
1. Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
 
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
 
b) Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
 
c) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
 
d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP). …
 
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.
 
2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể
 
Ngoài các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ đăng ký thường trú hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, các trường hợp dưới đây phải có thêm giấy tờ sau:
 
a) Trẻ em đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 13 Luật Cư trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh…”
 
Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp của bạn để nhập hộ khẩu cho con bạn về Cẩm Phả, Quảng Ninh (không phải thành phố trực thuộc Trung Ương) bạn nộp hồ sơ đăng ký thường trú cho con bạn tại Công An xã nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Hồ sơ đăng ký gồm có các giấy tờ sau:
 
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
 
+ bản khai nhân khẩu đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu;
 
+ Giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, về mối quan hệ giữa bạn với con bạn và con bạn với bố, mẹ bạn;
 
+ Giấy khai sinh của con bạn.
 
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sở của bạn, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú sẽ cấp sổ hộ khẩu cho bạn hoặc trả lời bằng văn bản lý do không cấp sổ hộ khẩu.
 
- Thứ ba, về đăng ký thường trú quá hạn.
 
Tại điều 7, nghị định 31/2014/NĐ – CP, nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật cư trú quy định về thời hạn đăng ký thường trú như sau:

Điều 7. Thời hạn đăng ký thường trú
 
1. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
 
2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú.
 
3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.”
 
Tính đến nay là năm 2015 thì con bạn một đứa đã được 9 tuổi, một đứa 4 tuổi. Mà giờ bạn mới đi đăng ký thường trú cho con là quá thời hạn đăng ký theo quy định tại khoản 3, điều 7, Nghị định 31/2013/NĐ - CP, nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật cư trú nêu trên. Do vậy bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1, điều 8, nghị định 167/2013/NĐ-CP, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòn cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
 
Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng
…”
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về đăng ký thường trú cho trẻ em. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV. Bạc Hưởng – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo