Trần Diềm Quỳnh

Chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự quy định thế nào?

Hiện nay, việc chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ rất được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm các quy định pháp luật có liên quan.Vậy, pháp luật quy định như thế nào về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ? Công Ty Luật TNHH Minh Gia xin tư vấn về chuyển giao quyền yêu cầu và nghĩa vụ dân sự như sau:

1. Luật sư tư vấn về chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự

Chuyển giao quyền, nghĩa vụ dân sự là việc người có quyền hoặc người có nghĩa vụ không tự mình hưởng quyền hoặc tự mình thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Hiện nay, có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức chuyển giao quyền hay nghĩa vụ yêu cầu nhưng không đáp ứng các quy định của pháp luật dân sự làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích các bên.

Nếu bạn chưa nắm rõ các quy định pháp luật về việc chuyển giao quyền yêu cầu hay chuyển giao nghĩa vụ, quý khách hàng có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề mình đang vướng mắc.

2. Tư vấn về chuyển giao quyền và  nghĩa vụ dân sự

Câu hỏi:

Kính chào luật sư, Tôi có vấn đề này kính nhờ luật sư tư vấn: Một người quen của tôi, anh Long, đã nhờ Công ty PMK đứng tên thay làm hợp đồng cung cấp logo cho Công ty S. Công ty S đã tạm ứng vô tài khoản của PMK 30% hợp đồng. Nay anh Long đã hoàn tất 100% khối lượng công việc, đến lượt Công ty S thanh toán 70% còn lại thì PMK không đồng ý nhận tiền và xuất hóa đơn giùm nữa.

Anh L muốn nhờ công ty TV nhận tiền và xuất hóa đơn giúp. Liệu tôi có thể làm hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận việc chuyển quyền nhận tiền và nghĩa vụ xuất hóa đơn từ công ty P sang TV được hay không, còn giữa anh L và TV tôi định sẽ làm hợp đồng gia công logo. Một vấn đề nữa mà tôi thắc mắc là hợp đồng của PMK với Công ty S ban đầu có hiệu lực hay không, nếu có những giấy tờ thể hiện P sản xuất logo đó, và PMK cũng đã đóng thuế cho phần tạm ứng. Mong được luật sư giải đáp vấn đề trên.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về việc có thể làm hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận việc chuyển quyền nhận tiền và nghĩa vụ xuất hóa đơn từ công ty PMK sang TV được hay không?

Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015, Điều 365 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu như sau “ 1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này".

Điều 370 quy định về chuyển giao nghĩa vụ:

“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”

Như vậy đối với việc chuyển giao quyền nhận tiền sẽ được thực hiện giữa anh Long và và Công ty TV, hai bên có thể thỏa thuận bằng văn bản mà không cần có sự đồng ý của Công ty PMK nhưng phải thông báo cho công ty PMK biết về việc chuyển quyền này. Còn đối với  việc chuyển giao nghĩa vụ xuất hóa đơn sẽ được thực hiện giữa Công ty PMK và Công ty S, hai bên có thể thỏa thuận bằng văn bản, việc chuyển giao nghĩa vụ này phải có sự đồng ý của anh Long.

Đối với việc anh Long và Công ty TV định sẽ làm hợp đồng gia công logo thì hai bên hoàn toàn có thể kí kết hợp đồng gia công theo quy định tại Điều 542, Bộ luật Dân sự hiện hành về hợp đồng gia công:

“ Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công”

Về vấn đề hợp đồng của PMK với Công ty S ban đầu có hiệu lực hay không, nếu có những giấy tờ thể hiện PMK sản xuất logo đó, và PMK cũng đã đóng thuế cho phần tạm ứng theo quy định tại Điều 117, Bộ luật dân sự hiện hành, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

 “1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Căn cứ vào những quy định trên của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự anh có thể xem xét hợp đồng giữa công ty PMK và công ty S vô hiệu hay không dựa vào các tiêu chí sau:

Thứ nhất, về mặt chủ thể kí kết hợp đồng có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi hay không, họ có tự nguyện kí kết hợp đồng  hay không.

Thứ hai, về mặt mục đích và nội dung của hợp đồng có vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội hay không .

Thứ ba, về mặt hình thức hợp đồng, có thể thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo