Luật sư Trần Khánh Thương

Tư vấn về bồi thường do bị hạn chế khả năng sử dụng đất

Khi thi công một công trình xây dựng, ngoài việc đảm bảo an toàn cho con người trong suốt thời gian thực hiện thi công, bên thi công công trình còn phải đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng khác. Khi công trình xây dựng của mình gây thiệt hại cho công trình khác thì bên gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Nội dung câu hỏi: Dear Quý Công ty! Tôi có một câu hỏi xin nhờ Quý Công ty Luật Minh Gia tư vấn giúp: Tôi có nhà 2 tầng, có sân rộng và tường bao quanh nhà, tất cả nhà cửa, tường, sân đều xây dựng trong diện tích đất của mình và có sổ đỏ. Mới đây Ủy ban nhân dân huyện có công trình làm kè lại sông để mở rộng đường ngay trước nhà. Bên thi công cho nạo vét sông làm lún sập cả đường rồi sập cả tường bao quanh nhà, các công trình phụ, nghiêng cả nhà (có thể sập lúc nào không biết). Vậy tôi xin hỏi theo luật đất đai nhà tôi có được bồi thường thiệt hại hay không và bồi thường như thế nào thì hợp lý.

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp chị đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo thông tin chị cung cấp, Ủy ban nhân dân huyện có công trình làm kè sông để mở rộng đường, khi bên thi công thi công nạo vét sông đã gây ảnh hưởng đến công trình xây dựng của gia đình chị. Tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.”

Bên cạnh đó, tại Điều 3. Thông tư 03/2018 TT-BXD có quy định về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP như sau:

“1. Việc bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản.

5. Bên vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận và đã hoàn thành việc bồi thường thiệt hại hoặc đã tuân thủ trình tự giải quyết quy định tại khoản 3 Điều này.”

Căn cứ theo các quy định nêu trên khi thi công xây dựng, bên thi công có hành vi gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì phải dừng thực hiện vấn đề thi công và bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.

Do đó, gia đình chị có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi công trình xây dựng của mình bị công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Mức bồi thường do các bên tự thương lượng thỏa thuận căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại tài sản thực tế của gia đình chị.

Theo thông tin chị cung cấp, dự án xây dựng này theo chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp huyện, do đó để đảm bảo quyền và lợi ích của gia đình mình cũng như tránh các rủi ro xấu xảy ra như nhà và các công trình còn lại bị sập dẫn đến thiệt hại về người… gia đình chị có thể yêu cầu bên thi công dừng thực hiện thi công đồng thời báo sự việc này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để kịp thời có phương án xử lý.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo