Trần Phương Hà

Tư vấn trường hợp yêu cầu phân chia di sản thừa kế

Kính gửi P. Tư vấn - Công ty Luật Minh Gia, kính đề nghị CT tư vấn về 01 trường hợp phân chia tài sản khi bố mẹ mất không để lại di chúc. Sơ lược về gia đình: Gia đình tôi có 4 anh em gồm 2 trai 2 gái. Tôi là con đầu (sinh năm 1966) và hai em gái liền kề (1968, 1971) cùng cha mẹ. Bố tôi mất năm 1973, cuối năm 1975 mẹ tôi có thêm 01 cậu con út (sinh năm 1976) với ông dượng kế (ông dượng nầy đã có vợ con, ở gia đình riêng, hiện đã mất).

 

Cậu em út (khác họ) của tôi lớn lên và sống cùng với chúng tôi trong một ngôi nhà, chúng tôi rất thương yêu cậu út nầy và xem như em ruột của mình..Mẹ tôi mất năm 2007, cậu em út đang ở ngôi nhà của mẹ (tôi và 2 em gái đã có gia đình và ở riêng); ngôi nhà nầy mẹ tôi vẫn còn đang đứng tên sở hữu chủ vì đã nhiều lần cậu út tôi từ chối không phối hợp để sang tên sở hữu chủ chung cho 4 anh em. Thưa thật với luật sư, tôi là một bác sỹ 25 năm tuổi nghề, là một Đảng viên công việc, gia đình hết sức ổn định; hai em gái tôi cũng vậy, thậm chí đã có xui gia. Đã 9 năm trôi qua, chúng tôi để cậu em út sử dụng ngôi nhà nầy không điều kiện, với mong muốn ngôi nhà được giữ gìn, bảo quản một cách hợp lệ xem như một kỷ vật của mẹ để lại cho anh em chúng tôi; nhưng cậu em tôi không đáp ứng những điều nầy thậm chí không chịu sang tên đổi chủ cho hợp pháp ngôi nhà. Hiện ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Tôi đã quyết định phân chia tài sản và đã bàn với 2 em gái về vấn đề nầy (vì tôi không muốn kéo dài tình trạng nầy nữa), một em thì đồng ý, một em thì không nỡ (cậu út dĩ nhiên là không chịu rồi). Kính mong Công ty tư vấn về thủ tục, các bước tiến hành, cơ quan thực thi…về phân chia tài sản thừa kế để tài sản của mẹ tôi để lại được phân chia cho rõ ràngXin cản ơn Công ty và mong muốn hồi âm.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của anh chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 623. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

 

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”

 

Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay anh vẫn còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

 

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

"1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

…"

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

.......

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau."

 

Như vậy do mẹ anh mất không để lại di chúc nên việc phân chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện chia theo pháp luật, theo quy định về hàng thừa kế thì khi mẹ anh mất những người được thừa kế di sản sẽ bao gồm: 4 người con của mẹ anh (anh, hai em gái và người cậu út). Khi thực hiện phân chia di sản thừa kế thì những đồng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau (chia đều cho tất cả các đồng thừa kế), di sản thừa kế có thể được chia bằng tiền hoặc bằng hiện vật cho các bên.

 

Về vấn đề chia di sản thừa kế trước tiên sẽ do các bên thực hiện thỏa thuận với nhau, việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được lập bằng văn bản. Chúng tôi đã có 1 bài viết hướng dẫn về thủ tục khai nhận di sản thừa kế, anh có thể tham khảo thêm qua bài viết sau:

 

=> Thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với đất đai

 

Nếu các đồng thừa kế không tự thỏa thuận được về vấn đề phân chia di sản thừa kế thì anh có thể nộp đơn yêu cầu đến TAND cấp huyện nơi có đất để được giải quyết, thành phần hồ sơ bao gồm: 

 

+   Đơn khởi kiện;

 

+   Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, CMTND, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

 

+   Giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…

 

+   Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

 

+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã); Biên bản giải quyết trong họ tộc (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Lý Quỳnh Giang – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo