Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp yêu cầu phân chia di sản thừa kế khi người để lại di sản mất không có di chúc

Tư vấn trường hợp ông bà mất không để lại di chúc, những người thừa kế không chia sản cho một người cùng hàng thừa kế thì giải quyết thế nào. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi: Ông bà nội có 4 người con: bác 2, cô 3, ba tôi và chú út. Năm 1991 chú út mất. Năm 2007 ông nội mất không để lại di chúc: bà nội, bác 2, cô 3 đã âm thầm bán nhà đất của ông nội tôi và chia nhau mà không hề cho cha tôi biết. Năm 2017 bà nội mất không để lại di chúc: di sản bà nội để lại là nhà và đất (gia đình tôi không biết diện tích là bao nhiêu, chỉ có bác 2 tôi biết vì bác 2 sống chung với bà). Nguồn gốc đất: năm 1988 đến 1991 ba tôi và chú út khai hoang mà có (khoảng chừng 2 mẫu). Sau khi chú út mất, bác 2 đã vào để ở. Vì bà nội không xem cha tôi là con của bà nên cái gì cũng chỉ cho bác 2 và cô 3. Nên ba tôi đã đi chỗ khác khai hoang, từ đó bà nội và bác 2 sống trên mảnh đất khoảng 2 mẫu do ba tôi và chú út khai hoang đó. Từ tài sản đó gia đình bác 2 và bà nội tôi đã làm và mua thêm rất nhiều đất đai, xây nhà to để ở, và đương nhiên là không nói cho ba tôi biết bất kì điều gì. Tháng 12/2017 bà nội tôi mất khi chưa được 49 ngày thì ba tôi phát hiện bác 2 tôi nhờ người chuyển tên trên tất cả tài sản mà bà nội đứng tên sang tên bác 2. Nhưng người ta không giúp vì sợ gia đình tôi kiện. Luật sư cho tôi hỏi: bao nhiêu năm nay bà nội tôi và ba tôi không hòa thuận nên cái gì bà nội cũng không nói cho ba tôi biết. Vì vậy di sản bà để lại bác 2 tôi cũng không cho ba tôi biết là diện tích đất bao nhiêu.

1/ Ba tôi phải làm sao để biết được thông tin về di sản mà bà tôi để lại.

2/ Nếu ba tôi muốn đòi lại tài sản là số đất mà ba tôi và chú út đã khai hoang trước khi bác 2 tôi vào chiếm dụng thì có được không? (vì nay bà nội đã mất, ba tôi không việc gì phải để đất của mình cho anh mình sử dụng cả), có hơn 10 gia đình di cư vào sống từ năm 1988 biết cha tôi và chú tôi khai hoang chứ không phải bác 2. Sau khi chú út mất thì năm 1992 bác 2 mới vào ở.

3/ Di sản của ông nội (ông nội mất 2007) đã bị bác 2 bán mất, cha tôi có lấy lại được không?

4/ Số tài sản là đất đai mà bác 2 tôi mua khi dùng tiền là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ mảnh đất của ba tôi và chú út khai khoang sẽ tính như thế nào trong khi số đất đó đứng tên bác 2 tôi và con của bác 2 tôi.

Luật sư hãy tư vấn giúp tôi làm cách nào để tôi giúp ba tôi lấy lại những tài sản thuộc về ba tôi gồm: di sản của ông nội đã bị bán; đất đai do ba tôi khai hoang cùng chú út; tài sản của bác 2 được mua bằng tiền phát sinh từ hoa lợi lợi tức trên đất ba tôi khai hoang; di sản của bà nội. Chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề thông tin di sản do bà bạn để lại.

 

Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về vấn đề xác nhận những di sản thừa kế do người mất để lại bằng các cách thức như thế nào do đó trường hợp này nếu ba bạn muốn biết những di sản thừa kế của bà bạn để lại sau khi mất thì phải tìm hiểu thông tin qua những người thân, bạn bè hoặc hàng xóm của bà về những tài sản mà bà có và để lại sau khi bà mất. Đối với những tài sản có đăng ký sở hữu (đất đai, nhà cửa) thì bạn có thể liên hệ tới UBND quận/huyện để nhờ tra cứu bằng thông tin nhân thân của bà.

 

Thứ hai, về vấn đề lấy lại diện tích đất mà bố bạn cùng chú út khai hoang trước đây.

 

Điều 101 Luật Đất đai 2013 có quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất có quy định như sau:

 

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

 

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp phần diện tích đất đứng tên ông bà bạn có nguồn gốc là phần đất do ba bạn và cậu út khai hoang, ba bạn và cậu Út cũng chưa từng làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này đồng thời sau khi cậu Út mất năm 1991 ba bạn đã chuyển đi và để cho ông bà sinh sống và sử dụng diện tích đó. Do đó, nếu ông bà bạn đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định tại Điều 101 Luật đất đai, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã phường về việc ông bà bạn đã sử dụng ổn định lâu dài và không có tranh chấp đối với diện tích này thì Giấy chứng nhận đã được cấp đó là hợp pháp. Ba bạn muốn xác lập lại quyền sở hữu đối với diện tích đất này rất khó khăn.

 

Thứ ba, đối với phần di sản của ông nội và bà nội bạn để lại.

 

Do cả ông và bà nội bạn khi mất đều không để lại di chúc do đó phần di sản thừa kế của ông bà bạn sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 

Như vậy, căn cứ vào quy định này của Bộ luật dân sự 2015 thì ba bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản của ông, bà bằng với những người đồng thừa kế. Cụ thể:

 

Với phần tài sản của ông sau khi ông bạn mất: Khi ông bạn mất, ba bạn là một trong những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, ba bạn được hưởng một phần tài sản trong số tài sản của ông bạn để lại tương đương với phần di sản mà bà bạn và những người con khác được hưởng. Việc bà bạn, bác và cô không chia thừa kế cho ba bạn và bán phần đất thuộc sở hữu của ông bạn khi chưa được sự đồng ý của bạn là trái quy định của pháp luật về quyền thừa kế và quyền sở hữu định đoạt đối với tài sản thừa kế.

 

Với phần di sản của bà bạn: cũng tương tự như di sản thừa kế khi ông bạn mất để lại, mặc dù ba bạn không chung sống cùng bà nhưng trên phương diện pháp luật ba bạn vẫn là con của bà, khi bà mất không để lại di chúc thì ba bạn vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản thừa kế tương đương với những người đồng thừa kế khác.

 

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”

 

Như vậy, ông bạn mất vào thời điểm năm 2007 và bà bạn mất vào năm 2017 nên căn cứ theo quy định trên thì thời hiệu yêu cầu chia thừa kế của ông bà bạn vẫn còn. Ba bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu phân chia lại di sản thừa kế của ông, bà nội bạn để lại và gửi đến Tòa án nhân dân nơi bác trai bạn đang ở hoặc Tòa án nhân dân nơi có phần lớn tài sản để yêu cầu Tòa án xem xét và phân chia lại di sản thừa kế theo đúng quy định.

 

Bên cạnh đó, khi Tòa án xem xét và thụ lý đơn yêu cầu phân chia thừa kế, Tòa án sẽ xem xét phần thừa kế ông, bà bạn để lại bao gồm những tài sản nào và tiến hành phân chia lại cho tất cả những người đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Nếu phần tài sản đứng tên gia đình bác bạn là tài sản có nguồn gốc từ di sản thừa kế của ông, bà bạn thì Tòa án có thể xem xét và yêu cầu bác bạn trả lại một phần tương ứng với phần ba bạn được hưởng trong khối di sản thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo