Hoàng Tuấn Anh

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giải quyết thế nào?

Luật sư tư vấn về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất khi đã sử dụng đất lâu dài và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng hiện tại phát sinh tranh chấp thì giải quyết thế nào? Qua bài viết dưới đây Luật Minh Gia tư vấn chi tiết như sau:

Câu hỏi:

Cho tôi hỏi về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất khi đã sử dụng đất lâu dài như sau: Tôi đã và đang ở trong căn nhà  của cha mẹ tôi từ nhỏ đến lớn. Đến lúc lập gia đình, tôi và chồng con tôi vẫn ở đây từ đó đến giờ. Cách đây hơn 30 năm thì cha mẹ tôi qua đời. Anh chị em của tôi không còn ở đây nữa, hai người đi lấy chồng ở riêng, một người đi định cư nước ngoài. Chỉ còn mình gia đình nhỏ của tôi cư trú tại đây từ đó đến giờ cũng hơn 30 năm.

Căn nhà lúc đó chỉ là căn nhà cấp 4 (chưa làm giấy tờ hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, còn giấy tờ của chế độ cũ thì đã bị thất lạc không tìm lại được), lúc này đường chưa giải tỏa. Cách đây 10 năm thì Nhà nước có chính sách mở đường, giải phóng mặt bằng, và căn nhà của tôi bị cắt một phần lớn chỉ còn lại khoảng 40m2 để ở. Chính sách đền bù rất ít vì Nhà nước giải tỏa để làm đường.

Gia đình chúng tôi đã phải dùng hết số tiền dành dụm bấy lâu để xây dựng lên căn nhà 2 lầu trên mảnh đất 40m2 còn lại. Và cách đây 4 năm thì chúng tôi cũng đã chính thức hợp thức hóa căn nhà này bằng cách xin làm sổ đỏ và đã được Nhà nước cấp sổ theo qui định! Bỗng nhiên, nay anh chị em của tôi quay về đòi chia tài sản của cha mẹ để lại.

Vậy, Luật sư cho tôi hỏi: anh chị em của tôi có quyền thừa kế đối với căn nhà trong trường hợp này không? Tôi lo lắng vì đây là nơi cư ngụ duy nhất của tôi, và là nơi duy nhất để tôi kiếm sống bằng việc buôn bán lẻ! Tôi rất mong Luật sư tư vấn để tôi biết yên tâm sinh sống. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư. Kính thư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Dựa trên những thông tin bạn đưa ra, khả năng khi cha mẹ bạn mất không để lại di chúc là rất cao. Vậy nên những phân tích dưới đây sẽ dựa trên trường hợp không có di chúc phân chia thừa kế

1. Về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp chia thừa kế

Theo pháp luật hiện hành tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 thì:

“ 1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

Sau thời hạn 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết, trong trường hợp này là cha mẹ bạn), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Thởi điểm cha mẹ bạn mất là cách đây hơn 30 năm, thời hiệu đòi quyền thừa kế đã qua nên các anh chị bạn sẽ không có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:

“ 1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ…”

Theo đó thì thời hiệu khởi kiện sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, nếu không có yêu cầu của một bên hoặc các bên đương sự hoặc có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện nhưng yêu cầu được đưa ra sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì vụ án vẫn được giải quyết.

2. Về quyền sử dụng, quản lý di sản thừa kế

Căn cứ thông tin bạn đưa ra, thời điểm bạn được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoảng năm 2012. Để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan nhà nước phải tiến hành các bước đo đạc, xác minh bạn có quyền sử dụng đất và/hoặc dựa vào các giấy tờ khi nhà nước mở đường, giải phóng mặt bằng. Trong Luật đất đai 2013, Điều 3 khoản 9 ghi nhận quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều đó có nghĩa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của bạn. Trừ trường hợp việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiến hành không đúng với thẩm quyền, trình tự thủ tục thì các anh chị bạn có thể yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định hành chính. Hậu quả trong trường hợp này là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bạn không còn giá trị về mặt pháp lý, tức là bạn không còn cơ sở xác định quyền sử dụng đất của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo