LS Vy Huyền

Tư vấn phân chia di sản thừa kế của vợ

Luật sư tư vấn đối với trường hợp vợ mất nhưng không để lại di chúc thì phân chia di sản thừa kế thế nào? Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Kính chào Luật sư - Công ty Luật Minh Gia, kính xin Luât sư tư vấn một việc sau đây:Tôi và vợ tôi có chung tài sản là mảnh đất đã được cấp Sổ đỏ ghi tên 2 vợ chồng. Chúng tôi có 2 người con .Vợ tôi chẳng may lâm bệnh, đã mất năm 2003. Bố Mẹ vợ tôi sinh hạ được 6 người con,  vợ tôi mất, nay còn 5 người. Năm 1988- bố vợ tôi qua đời. Năm 2015 Mẹ vợ tôi  cũng qua đời. Đọc trên webpage của Quý Cty tôi được biết, theo qui định tại Điều 676 Bộ Luật Dân sự năm 2005, những người trong hàng thừa kế thứ nhất phần tài sản do vợ tôi để lại (50% giá trị mảnh đất trên) gồm 5 người là : Bố vợ +  Mẹ vợ tôi+ 2 con + tôi , chia đều ra, mỗi người được hưởng 1/10 giá trị mảnh đất. Nay Bố Mẹ vợ tôi đã mất, phần di sản của 2 cụ, theo Luật, sẽ được chuyển lại chia đều cho 5 con của Cụ thuộc hàng thừa kế thứ 2, tính ra, mỗi người được hưởng ( 1/10+1/10): 5 = 1/25 giá trị mảnh đất. Theo đó, tôi đã thảo Văn bản từ chối cho từng người. Xin phép được hỏi Luật sư sự hiểu biết của tôi về qui định tại điều 676 như trên có đúng không?Rất mong nhận được chỉ giáo của Quý Luật sư!Xin chân thành cảm ơn.

 

 Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Do Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực nên vấn đề thừa kế của bạn sẽ được áp dụng theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì vợ chồng bạn có tài sản chung là một mảnh đất đứng tên cả hai vợ chồng (bạn  và vợ mỗi người được sở hữu 50% mảnh đất). Sau khi vợ bạn mất mà không để lại di chúc thì 50% phần đất của vợ bạn sẽ được coi là di sản thừa kế và sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: mẹ vợ, bạn (chồng) và 2 con mỗi người được hưởng một phần bằng nhau.

 

Tuy nhiên, vì mẹ vợ bạn đã mất năm 2015 nên phần tài sản mà mẹ được hưởng thừa kế của vợ bạn (1/4 di sản) sẽ tiếp tục được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ vợ là 6 người con mỗi người được hưởng một phần bằng nhau. Tuy nhiên, do vợ bạn đã mất trước thời điểm mẹ mất nên phần di sản thừa kế mà nhẽ ra vợ bạn được hưởng sẽ được thừa kế thế vị cho 2 con của bạn theo điều 652 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

 

Điều 652. Thừa kế thế vị

 

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 

Như vậy, đối với phần di sản của mẹ vợ bạn sẽ được chia làm 6 phần bao gồm: 5 người con của mẹ (mỗi người được hưởng một phần bằng nhau 1/6) và 2 con của bạn sẽ được hưởng 1/6 của di sản thừa kế.

 

Để được hưởng phần di sản trên thì những người thừa kế có thể tự thỏa thuận với nhau, trường hợp không thỏa thuận được thì những người thừa kế trên phải ra văn phòng công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Sau khi nhận được phần thừa kế của mình mà những người thừa kế không muốn nhận phần di sản đó thì phải làm đơn từ chối nhận di sản thừa kế và phải có xác nhận của văn phòng công chứng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo