Phạm Việt Hằng

Tư vấn khởi kiện về hợp đồng vay tài sản

Tôi có thắc mắc về khởi kiện đòi tiền theo hợp đồng vay muốn được luật sư tư vấn giúp: Thông qua quen biết, tôi có nhờ 1 người chạy việc cho con với số tiền là 125 triệu đồng. Tôi đã giao cho người này 110 triệu đồng có giấy viết tay dưới hình thức vay tiền (cả 2 bên cùng ký nhận)

 

Hẹn đến tháng 10/2015 sẽ trả (nghĩa là khi đó đã xin được việc), sau đó người này yêu cầu tôi nộp tiếp 15 triệu nữa thông qua tài khoản, tôi đã chuyển đủ cho họ. Sau này khi biết không xin được việc, người này đã chuyển trả lại cho tôi 15 triệu, số tiền 110 triệu đồng còn lại người này nói là đã chuyển cho đối tác và nói rằng người đó chỉ lừa đảo và đã bị công an bắt. Vậy tôi có thể khởi kiện người đã trực tiếp nhận tiền của tôi hay không (vì người này nói rằng mình cũng chỉ là nạn nhân của vụ lừa đảo)? Nếu khởi kiện thì hình thức khởi kiện như thế nào và nộp đơn khởi kiện ở đâu (người đó thuộc tỉnh khác)? Tôi xin trân trọng cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Bởi vì hợp đồng được lập dưới hình thức vay tài sản bằng văn bản viết tay và có chữ ký của hai bên, nên nếu qua hạn trả tiền ghi trên giấy (tháng 10/2015) mà người kia chưa trả bạn tiền thì bạn có quyền kiện bên vay đến toà án dựa trên quy định tại Bộ luật Dân sự 2015:

 

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. 

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Về hình thức khởi kiện:

 

Bạn cần lập hồ sở khởi kiện đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

 

- Đơn khởi kiện.

 

- Giấy tờ vay nợ và các tài liệu khác.

 

- Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn.

 

- Chứng minh nhân dân và Hộ khẩu của người khởi kiện.

 

- Giấy tờ chứng minh vụ việc vẫn còn thời kiệu khởi kiện (nếu có).

 

Hồ sơ này phải được gửi tới Toà án cấp Huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc của bị đơn (tức bên kia) hoặc có thể gửi tới toà án Huyện nơi cư trú, làm việc của bạn trong trường hợp hai bên có thể thoả thuận.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn khởi kiện về hợp đồng vay tài sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Thu Phương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn