Triệu Lan Thảo

Tư vấn chia thừa kế khi vợ hoặc chồng có con riêng

Chào luật sư,Tôi 28t hiện đang sinh sống tại Huế, tôi có vài thắc mắc về đất thừa kế của gia đình như sau: Ông nội tôi có sở hữu 1 mảnh đất rừng tầm 2ha..Ông có 5 người con chính thức trong hộ khẩu. Cả ông và bà nội đều đã mất nhiều năm trước. Hiện bác cả đang ở trên mảnh đất đó..

 

Ba tôi có 2 đời vợ, mẹ tôi là vợ thứ 2 (có hôn thú vì vợ đầu tiên đã chết do bệnh) khi về sống với ba tôi mẹ tôi có mang theo 1 người con riêng là chị gái tôi (có nhập hộ khẩu nhưng không đổi Họ). Ba tôi có 2 người con là tôi và anh trai tôi. Và ba tôi cũng đã mất hồi năm 2006.Hiện trạng mảnh đất theo tôi được biết như sau: bác cả đã xin chuyển đổi từ đất rừng sang đất ở tầm 300m2 có sổ đỏ tên của bác cả, trên đó có 1 căn nhà đang được làm nhà thờ. Phần còn lại đang đc bác trồng cây keo lai và toàn quyền sử dụng. Và toàn bộ mảnh đất đó nằm trong quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh, nghĩa là trong tương lai xa sẽ bị giải tỏa và nhận đền bù.Vậy, tôi xin kính hỏi nhờ luật sư những vấn đề sau:1. Tôi, mẹ tôi và người chị cùng mẹ của tôi có được hưởng quyền lợi gì từ mảnh đất ko?2. Nếu có, tôi muốn biết tôi và mẹ tôi có thể đơn phương xin chia đất mà không phối hợp với anh trai tôi có được ko? Cám ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

1." Tôi, mẹ tôi và người chị cùng mẹ của tôi có được hưởng quyền lợi gì từ mảnh đất không?"

 

Câu trả lời của chúng tôi là có. Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

 

Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

 

Như vậy, bố anh vẫn còn sống lúc ông bà nội anh mất, bố anh hoàn toàn có quyền thừa kế số tài sản của ông bà bạn, tức 1/5 di sản thừa kế ông bà anh để lại nếu không có ai trong số 5 người con của ông bà bạn bị truất, tước hay từ chối tài sản thừa kế.Khi bố anh mất, di sản thừa kế bố bạn để lại sẽ bao gồm cả số tài sản được hưởng thừa kế từ ông bà nội anh.

 

Tương tự, hàng thừa kế thứ nhất, những người thừa kế tài sản của bố anh bao gồm anh, mẹ anh và anh trai anh. Với trường hợp chị gái cùng mẹ khác cha với anh, chị vẫn sẽ được hưởng thừa kế tài sản của bố anh nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như con với bố anh theo Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế:

"Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này."

 

2. Nếu có, tôi muốn biết tôi và mẹ tôi có thể đơn phương xin chia đất mà không phối hợp với anh trai tôi có được không?

 

Điều 656. Họp mặt những người thừa kế quy định

"1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản."

 

Anh bạn, nếu không bị truất, tước hay từ bỏ quyền thừa kế, vẫn sẽ có liên quan đến việc phân chia tài sản thừa kế, phải được biết về những thông tin liên quan đến cuộc họp mặt những người thừa kế như thời gian, địa điểm...

 

Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được việc chia thừa kế thì một người thừa kế có quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Tiến Anh- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo