LS Vy Huyền

Từ chối nhận di sản thừa kế là bất động sản

Luật sư tư vấn đối với trường hợp ông, bà muốn từ chối nhận di sản thừa kế thì phải làm thế nào? Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Mẹ tôi đã mất và để lại cho tôi gia tài là một bất động sản nhà đất. Hàng thừa kế thứ nhất hiện có ông bà ngoại và tôi. Ba và mẹ đã li dị từ lâu. Ông bà ngoại đồng ý nhường quyền thừa kế cho tôi. Phần nhà đất được thừa kế của tôi nằm ở Tây Ninh. Ông bà ngoại đang sống ở Long An. Kính mong luatminhgia có thể tư vấn giúp tôi thủ tục thừa kế. Tôi đang không biết là phải làm văn bản từ chối nhận di sản hay làm văn bản phân chia di sản. Không biết có thể làm các giấy tờ này ở Long An được không vì ông bà ngoại già nên không tiện đi xa. Ngoài ra tôi có cần chứng minh tình trạng kết hôn của mẹ là độc thân không, vì sau khi di lị thì mẹ tôi không kết hôn lại. Tôi có tìm hiểu thì biết hiện tại xã không cấp chứng nhận độc thân cho người đã chết nữa, nếu vậy thì thôi phải làm sao.Mong luatminhgia giải đáp. Tôi xin chân thành cám ơn. 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, Theo thông tin mà bạn cung cấp thì mẹ bạn mất mà không để lại di chúc. Phần di sản bao gồm nhà, đất được chia cho những người thừa kế theo pháp luật là ông, bà ngoại và bạn. Nay ông bà muốn để lại phần tài sản mà ông bà được nhận cho bạn thì bạn có thể thực hiện hai hình thức là từ chối nhận di sản hoặc ông bà ngoại tặng cho tài sản là nhà, đất cho bạn. Tuy nhiên, về mặt thủ tục thì bạn nên thực hiện theo thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế.

 

Theo đó, căn cứ theo quy định tại điều 620 Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Cụ thể:

 

Điều 620. Từ chối nhận di sản

 

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

 

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

 

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

 

Lưu ý: Vì bạn không nêu rõ mẹ bạn mất năm bao nhiêu, do đó, đối với trường hợp của bạn cần lưu ý: Nếu mẹ bạn mất trước ngày 1/1/2017 ( Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực) thì việc từ chối di sản thừa kế của ông, bà bạn sẽ được áp dụng theo điều 642 Bộ luật dân sự 2005 và thời hạn từ chối di sản thừa kế là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế (thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết).

 

Như vậy, nếu ông, bà ngoại bạn muốn từ chối nhận phần di sản mà mẹ bạn để lại thì việc từ chối của ông bà phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực tại văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ – CP, như vậy, ông, bà bạn buộc phải đến văn phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân ở Long An để là thủ tục từ chối nhận di sản. Cụ thể:  

 

Điều 5. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực

 

6. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.

 

Trong trường hợp vì lý do sức khỏe mà ông, bà không thể đến văn phòng công chứng hoặc  Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất để là thủ tục từ chối nhận di sản thì có thể mời công chứng viên đến nơi ông, bà bạn cư trú để công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản trong trường hợp người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được ( khoản 1 điều 10 nghị định 23/2015/NĐ – CP).

 

Thứ hai, trong trường hơp bố mẹ bạn đã ly hôn thì sau khi mẹ bạn mất cơ quan có thẩm quyền không thể xác nhận tình trạng độc thân của mẹ bạn nữa, trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền khai nhận di sản thừa kế sẽ căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án để chứng minh bố mẹ bạn đã ly hôn và xem xét về chế độ tài sản của bố, me bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo