Hoàng Thị Kim Lý

Chính sách trợ cấp ưu đãi giáo dục quy định thế nào?

Chào luật sư, em là con thương binh mất sức lao động trên 61% và đang theo học đại học vậy cho em hỏi mỗi tháng em sẽ nhận được trợ cấp là bao nhiu và cần giấy tờ gì để làm thủ tục để được nhận trợ cấp? em cũng xin được hỏi là em có thể vay tiền để lo cho việc học không và đươc vay bao nhiêu? ai sẽ là người đứng tên? và khi nào thì phải trả nợ? Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Thứ nhất, về trợ cấp đối với con thương binh đang theo học đại học

Trường hợp này, công ty có bài viết tư vấn cụ thể, bạn có thể tham khảo bài viết:

>> Chế độ ưu đãi dành cho con thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

Thứ hai, về các giấy tờ cần thiết hưởng chế độ ưu đãi giáo dục

Theo mục II thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20-11-2006 của “Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ thì thủ tục hồ sơ như sau:

1.  Hồ sơ ưu đãi giáo dục, đào tạo

- Tờ khai cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo, kèm bản sao giấy khai sinh (mẫu số 01-ƯĐGD)

- Quyết định cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo (mẫu số 03-ƯĐGD).

2. Thủ tục và quy trình lập, quản lý sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo

2.1. Thủ tục và quy trình lập sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo

a) Người có công với cách mạng hoặc con của họ thuộc diện được hưởng ưu đãi giáo dục, đào tạo làm tờ khai cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo (mẫu số 01-ƯĐGD) kèm bản sao giấy khai sinh gửi đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận để gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi chung là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi thường trú của người có công hoặc của thân nhân người có công thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo để làm thủ tục cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo. Việc xác nhận được thực hiện như sau:

- Người có công với cách mạng do Trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng và người có công thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (sau đây gọi tắt là Trung tâm) thì do Trung tâm xác nhận.

 - Đơn vị quân đội, công an có thẩm quyền theo qui định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận người có công với cách mạng do đơn vị quân đội, công an quản lý.

- Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận người có công với cách mạng đối với những trường hợp còn lại đang thường trú tại xã. 

b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Kiểm tra bản khai đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, đối chiếu với hồ sơ của người có công thuộc phạm vi quản lý để lập 02 bản danh sách đề nghị cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo (mẫu số 02-ƯĐGD) kèm bản khai đề nghị cấp sổ, bản sao giấy khai sinh gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt;

- Cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo; lập danh sách, theo dõi cấp sổ (mẫu số 05-ƯĐGD), lưu giữ hồ sơ và quản lý chi trả trợ cấp theo qui định.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Kiểm tra, xét duyệt danh sách đề nghị cấp sổ; ra Quyết định (mẫu số 03-ƯĐGD) và cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi (mẫu số 04-ƯĐGD); chuyển sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo kèm Quyết định cấp sổ và 01 danh sách đề nghị cấp sổ đã được xét duyệt về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thứ ba, về chính sách vay vốn sinh viên

Theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên thì đối tượng là sinh viên được vay vốn theo diện được hỗ trợ.

Điều 2. Đối tượng được vay vốn:

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2. Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Điều 3. Phương thức cho vay:

1. Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

2. Giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên.

Điều 4. Điều kiện vay vốn:

1. Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường.

3. Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Điều 5. Mức vốn cho vay:

1. Mức vốn co vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Khi chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có biến động, Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức vốn cho vay.

Điều 6. Thời hạn cho vay:

1. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày đối tượng được vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi) được ghi trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

2. Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Thời hạn phát tiền vay được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định hoặc thỏa thuận với đối tượng được vay vốn.

3. Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề Trợ cấp ưu đãi giáo dục và chính sách vay vốn sinh viên. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ qua để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn