LS Thanh Hương

Tranh chấp về chia thừa kế theo pháp luật bất động sản

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp chưa tiến hành chia thừa kế theo pháp luật nhưng người thừa kế đã tiến hành sang tên bất động sản

Chào Luật sư tư vấn.
Hiện họ hàng em đang vướng vào chuyện đất đai thừa kế không có di chúc. Em xin trình bày sự việc và nhờ luật sư tư vấn!
Ông bà nội em sinh ra được 6 người con và sinh sống trên mảnh đất diện tích là 790m2 (em nghe nói là thổ cư với đất phần gì đó). Từ nhỏ thì cả ông bà và 6 người con sinh sống trên mảnh đất đó. Bác gái lớn nhất đi lấy chồng. Bố em năm 17 tuổi tham gia bộ đội vào Nam chiến đấu. Ở nhà còn còn chú và các cô sống cùng ông bà. Hiện tại thì còn có gia đình chú và cô Út là vẫn còn khẩu trong nhà. Năm 2003, ông nội em mất và không có để lại di chúc và lúc ấy bà nội em còn sống nên không ai nghĩ đến việc chia thừa kế gì cả. Sang năm 2004, chú em ở nhà và tự đi làm Sổ Đỏ, 1 mình chú đứng tên sổ và toàn bộ diện tích là 790m2, không nói cho bất cứ anh chị em nào trong nhà biết. (khi ấy ở xã thì cứ nhà nào đưa diện tích đất và không có tranh chấp gì thì xã họ cứ ra Sổ đỏ). Đến tháng 12/2011, thì bà nội em qua đời và cũng không để lại di chúc.
Từ đó cho đến năm 2012, giỗ đầu của bà nội….Khoảng thời gian bà mất đến lúc giỗ đầu vì chú thím đánh đuổi cô út ra ngoài sống nên bố em và các anh chị em còn lại họp gia đình và có viết 1 bản chia đất đai cho cô Út 150m2, chú em 600m2, còn phần sân chung là để đi chung và có thoả thuận trong biên bản họp gia đình đó là không được xây cổng, rào dậu hay xây tường bất cứ hình thức nào. Biên bản này được 6 anh chị em ký thoả thuận và có sự chứng kiến của 2 người trong xã, 1 người làm chứng và 1 người ghi biên bản cùng ký tên vào trong biên bản. Năm 2013, cô Út em có xây nhà để ở trên phần đất đã được chia là 150m2. Vẫn sử dụng phần sân chung để đi vào nhà cùng với chú (đi vào phần sân chung thì nhà chú trước rồi mới vào đến nhà cô Út). Năm 2013, cô Út em vào Nam làm việc thì ở nhà, chú em xây 1 cái chuồng chó nuôi 2 con chó becgie chắn ngay lối đi trên phần sân chung. Và xây cái cổng trên phần sân chung ấy. Khi cô Út em về thì bắt cô Út đi ra vào cổng và cái sân chung ấy pải có giờ có giấc…6h sáng mới mở cổng và 9h tối là khoá cổng…về trễ thì đi ngõ sau. Khi sự việc như vậy thì bố em và các anh chị em còn lại đề nghị chú làm 1 chìa khoá riêng cho cô Út để chủ động việc đi lại…nhưng mâu thuẫn ngày càng tăng…và giờ chú em xây kín bít cái cổng ấy, bắt cô Út và cả gia đình chú thím đi bằng ngõ đằng sau nhà để vào nhà… Hiện tại giờ thì cô Út em đang làm đơn lên xã đề nghị chú tháo cổng và trả lại lối đi chung, nhưng chú em không chịu.
Em xin hỏi luật sư:
1/ Cái Sổ đỏ chú em làm như vậy có hợp pháp hay không?
2/ Trường hợp giờ cô em đưa đơn ra Toà thì sẽ được chia thừa kế đất đai khi không có di chúc thì sẽ chia theo như thế nào?
Em rất cảm ơn Luật sư!
 

Trả lời
 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
 
Thứ nhất, về vấn đề cấp Giấy chứng nhận mảnh đất thừa kế. Chú bạn làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2004 nên để xác định tính hợp pháp của Giấy chứng nhận này phải că cứ vào Luật đất đai 2003. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật đất đai 2003 về các loại giấy tờ cần có để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
 
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
 
Theo đó, đất mà chú bạn muốn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần phải có giấy tờ hợp pháp về thừa kế như Bản án chia thừa kế của tòa án hoặc Văn bản thỏa thuận chia thừa kế… Khi không có giấy tờ về thừa kế thì việc cấp Giấy chứng nhận của chú bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp này sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định tại Khoản 3 Điều 106 Luật đất đai 2013:
 
3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
 
Như vậy, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân xã hoặc khởi kiện tại Tòa liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chú bạn.
 
Thứ hai, về yêu cầu chia di sản tại Tòa án. Khi ông bạn mất thì mảnh đất được chia đôi, một phần cho bà một phần cho ông. Phần của ông sẽ được chia thừa kế. Thời điểm ông bạn mất là năm 2004, tính thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm. Tính đến năm 2015 là đã hết thời hiệu khởi kiện, tức là không có quyền yêu cầu chia di sản phần tài sản của ông bạn nữa. 
 
Tính từ thời điểm bả nội bạn mất là năm 2011, hiện tại vẫn trong thời hạn khởi kiện về thừa kế là 10 năm. Do đó, cô bạn vẫn có quyền khởi kiện yêu cẩu chia phần mảnh đất của bà bạn thừa kế theo pháp luật tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản. Lúc này, Tòa án sẽ xác định di sản thừa kế gồm những gì, rồi tiến hành chia đều khối di sản chi những người thừa kế. Mảnh đất của bà bạn sẽ được chia đều cho bố bạn, các cô, các chú là con của ông bà. Nếu như không muốn chia đất thì có thể thỏa thuận lấy giá trị phần đất đáng lẽ người thừa kế được nhận.
 
Thứ ba, về vấn đề quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề. Ngồi nhà của cô bạn cần phải qua lối đi nhà chú nhưng chú bạn lại không cho phép. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 275 Bộ luật dân sự 2005 về quyền có lối đi qua bất động sản liền kề:
 
1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
 
Như vậy, hành vi ngăn cản của chú bạn là trái pháp luật. Có thể tiến hành yêu cầu Ủy ban nhân dân xã giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa yêu cầu dành một lối đi thuận tiện cho gia đình người cô.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp về chia thừa kế theo pháp luật bất động sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Chuyên viên Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo