Lại Thị Nhật Lệ

Tranh chấp quyền sử dụng đất là di sản thừa kế

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Luật sư cho hỏi trường hợp. Sau năm 1975, cha mẹ tôi có 3 người con trai, cha mẹ tôi có lập riêng một khuôn viên đất thổ cư khác để cho người anh thứ nhất làm nhà ở từ năm 1980; người anh trai thứ 2 ở nhà cha mẹ (trong đó có đất thổ cư); còn tôi là người con trai út phải mua đất người khác để làm nhà ở. Cha tôi chết năm 1990, mẹ tôi chết 2011.


Hai diện tích đất thổ cư trên mà hai người anh đang ở đến năm 2001 được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2016 hai diện tích đất thổ cư trên được Ban quản lý dự án phát triển đô thị giải tỏa đền bù. Cha mẹ tôi chết không để lại di chúc thừa kế, không viết giấy cho đất về hai diện tích đất trên. Bà con hàng xóm có xác nhận hai diện tích này là của cha mẹ tôi từ năm 1975 đến 2001. Xin hỏi Luật sư tài sản cha mẹ để lại về đất thổ cư tôi có được hưởng thùa kế không? Cảm ơn luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau (Áp dụng văn bản pháp luật tại thời điểm hỏi tư vấn - năm 2014):

 

Theo thông tin bạn cung cấp: "Hai diện tích đất thổ cư trên mà hai người anh đang ở đến năm 2001 được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Bà con hàng xóm có xác nhận hai diện tích này là của cha mẹ tôi từ năm 1975 đến 2001." 

 

Nếu hai mảnh đất trên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2001 cho hai anh của bạn và hai anh bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hai anh bạn là chủ sử dụng quyền sử dụng đất hợp pháp, có quyền định đoạt: mua bán, chuyển nhượng, tặng cho... Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp nguồn gốc đất là do bố mẹ bạn khai hoang từ năm 1975, như vậy bạn có thể làm rõ nguồn gốc, căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2001. Nếu bạn có tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng nguồn gốc, căn cứ sử dụng đất thì bạn có thể làm đơn khiếu nại hoặc tố cáo quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. 

 

Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.” Khác với việc khiếu nại, Luật Tố cáo không quy định thời hiệu tố cáo.

 

Do đó, bạn không thể thực hiện khiếu nại nhưng có thể làm đơn tố cáo quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi lên cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  Kèm theo đơn tố cáo bạn phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc cấp sai đối tượng.

 

Nếu mảnh đất trên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mạ bạn với nguồn gốc là đất khai hoang. Việc hai anh của bạn ở trên đất từ năm 2001 đến nay và việc bố mẹ bạn tặng cho hai anh: tặng cho bằng miệng, không có hợp đồng tặng cho, thủ tục tặng cho không có xác nhận của UBND xã tại thời điểm tặng cho không xác lập quyền sử dụng của hai anh bạn đối với mảnh đất trên. Do đó, khi bố mẹ bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế là quyền sử dụng đất sẽ được chia theo pháp luật.

 

Căn cứ theo Điều 676 bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Bố mẹ của bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha mẹ và con của người chết sẽ được hưởng di sản thừa kế do người chết để lại. Do đó, những người được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ bạn bao gồm: ông bà bạn (nếu còn sống) và 3 anh em bạn. Mỗi người sẽ được hưởng một phần thừa kế bằng nhau. Các bên có thể tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia sẻ di sản thừa kế.

 

Căn cứ theo Điều 645 bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế:

 

“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."

 

Do đó, bố bạn mất từ năm 1990 đến nay đã quá 10 năm, hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế nên bạn và những người khác không còn quyền yêu cầu chia di sản thừa kế do bố bạn để lại. Tuy nhiện, theo nghị quyết 02/2004/NQ- HĐTP quy định trong trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

 

Mẹ bạn mất từ năm 2011 đến nay được hơn 5 năm do đó vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế. Do đó, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia phần di sản thừa kế do mẹ bạn để lại theo quy định của pháp luật. 

 

Tuy nhiên, theo bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, Điều 623 quy định thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (người để lại di sản chết). Do đó, bạn có thể đợi đến ngày 1/1/2017 khi bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thì làm đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp quyền sử dụng đất là di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn