Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tranh chấp phần cổng đi chung giữa hai hộ liền kề

Tư vấn trường hợp hai hộ liền kề tranh chấp yêu cầu chia đôi cổng đi chung. Nội dung tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành khi một bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác dẫn đến không có lối đi ra đường công cộng thì bất động sản này được quyền đề nghị các bất động sản vây bọc mở cho mình một lối đi hợp lý. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp phát sinh các tranh chấp liên quan đến lối đi chung giữa các bất động sản liền kề, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Nếu quý khách hàng có gặp các vướng mắc liên quan đến lối đi chung quý khách có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm của chúng tôi hỗ trợ tư vấn cụ thể trường hợp của mình.

Nội dung câu hỏi: Nhà con có mảnh đất của ông bác để lại cho gia đình con, sổ đỏ đã mang tên bố mẹ con được 15 năm nay nhưng bố con đã mất năm ngoái và bà nội con vẫn còn sống. Đất của chú con với đất của nhà con giáp nhau. Nhà con và nhà chú con đi chung nhau cổng nhưng trên sổ đỏ cái cổng đấy là của gia đình con. Bà nội con giờ muốn đòi lại không cho nhà con cái cổng đấy mà bảo với nhà con là chia đôi cho chú con nếu không bà sẽ làm đơn cho các cô chú anh em ruột với bố con kí vào để nộp ra xã xin đòi lại đất. Nhà con lại có 3 con gái không có con trai nên giờ rất hoang mang không biết bà có đòi lại được không. Luật sư cho con hỏi với trường hợp trên thì nhà con có bị bà và các cô chú đòi lại đất không ạ?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định như sau: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền sở hữu tài sản như sau:

“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.”

Như vậy, căn cứ theo các quy định đã nêu trên, gia đình bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này và hiện tại vẫn đang sinh sống trên mảnh đất đó, do đó, gia đình bạn được xác định là chủ sở hữu của mảnh đất. Theo quy định tại Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu đối với tài sản có đầy đủ các quyền liên quan đến tài sản bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Trong trường hợp này, phần cổng đang tranh chấp giữa bà nội bạn và gia đình bạn nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ bạn sau khi bố mẹ bạn được hưởng thừa kế từ người bác do đó bố mẹ bạn có đầy đủ quyền đối với phần cổng trên. Việc bà bạn yêu cầu gia đình bạn chia phần đất cổng kia cho chú bạn là không phù hợp.

Bên cạnh đó, nếu gia đình bạn và gia đình người chú cùng sử dụng chung một cổng mà gia đình người chú không còn lối đi nào khác thì phần cổng đó được xác định là lối đi chung giữa hai gia đình. Gia đình người chú có quyền về lối đi qua với bất động sản liền kề theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015. Điều 254 Bộ luật dân sự quy định như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Nếu trong trường hợp gia đình bạn không cho người chú đi qua phần cổng đi chung này thì bà bạn và phía bên người chú có căn cứ để yêu cầu xã phường xem xét buộc gia đình bạn phải cho người chú sử dụng phần cổng đi chung mặc dù phần diện tích này thuộc sở hữu của gia đình bạn.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp bố bạn đã mất do đó sẽ phát sinh vấn đề thừa kế đối với phần tài sản của bố bạn. Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Như vậy, nếu bố bạn mất đi và không để lại di chúc thì phần diện tích đất đang mang tên bố mẹ bạn sẽ được chia đôi, một nửa thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn, phần còn lại trở thành di sản thừa kế của bố bạn và sẽ được chia cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế theo pháp luật. Do đó, trường hợp này bà bạn có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với phần diện tích của bố bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng liên hệ với công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo