LS Ngọc Anh

Trả nợ không có giấy biên nhận giải quyết như thế nào?

Luật sư tư vấn về hợp đồng vay tài sản và trả nợ nhưng không có giấy biên nhận, nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Xin chào Luật sư, Hôm nay em muốn nhờ Luật sư tư vấn cho em về một vụ việc như sau:Năm 2012, gia đình em có vay của vợ chồng ông A 60 triệu. Đến tháng 8/2012 đã trả 10 triệu, còn lại 50 triệu đã trả vào 6/9/2013. Tháng 8/2016, vợ chồng ông A đi kiện đòi 10 triệu tiền gốc chưa trả + tiền lãi 5 triệu.Gia đình em chỉ thừa nhận phần tiền lãi là 5 triệu, còn 10 triệu đã thanh toán xong.Tại biên bản hòa giải ở địa phương thì bên nguyên cũng đồng ý chỉ đòi phần lãi 5tr, kết quả hòa giải thành.Sau đó, nguyên đơn lại ko thực hiện theo thỏa thuận mà lại tiếp tục đi kiện.Do trả nợ, 2 bên không có làm biên nhận, vợ chồng ông A nói trả xong rồi thì thôi.Hòa giải tại xã thì ông A chỉ có giấy mượn nợ từ năm 2012 thôi.Đến khi ra Tòa thì ông A tự ý ghi thêm dòng chữ trong giấy mượn nợ từ năm 2012 là ...còn thiếu...ABC, XYZ.....các thứ vào. nhưng ko có chữ ký của gia đình em.Em xin được nhờ Luật sư tư vấn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình em với tư cách là bị đơn trong vụ án này.Em xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo như bạn trình bày thì việc gia đình bạn vay tiền vợ chồng ông A 60 triệu là việc thiết lập giao dịch dân sự vay tài sản theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015:

 

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Nội dung của hợp đồng vay tài sản sẽ có một số điều khoản bắt buộc như thông tin về bên cho vay và bên vay; số tiền vay; thời hạn trả nợ; quyền và nghĩa vụ của các bên,… Vì vậy, có thể căn cứ vào nội dung của hợp đồng để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, trường hợp của bạn thì lại chỉ có giấy mượn nợ mà khi trả nợ lại không có giấy biên nhận và vợ chồng ông A theo như bạn trình bày thì chỉ nói khi nào trả xong nợ thì thôi.

 

Việc trả nợ giữa hai gia đình không có giấy biên nhận là một thiếu sót lớn. Bởi lẽ, để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì khi bị khởi kiện, bạn phải cung cấp được các bằng chứng, chứng cứ chứng minh đến Tòa. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015  như sau:

 

Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

 

1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự…”

 

Như vậy, việc cung cấp chứng cứ và giao nộp chứng cứ chứng minh cho Tòa án vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự. Chỉ khi có các chứng cứ chứng minh việc gia đình bạn đã trả nợ tồn tại trên thực tế thì Tòa án mới có cơ sở để giải quyết quyền lợi cho bạn.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp không có giấy biên nhận chứng minh gia đình bạn đã trả nợ thì Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bạn cư trú có thể bảo vệ lợi ích cho gia đình bạn nếu bạn cung cấp được các bằng chứng khác chứng minh rằng bạn đã trả nợ trên thực tế. Bạn giấy biên nhận nhưng bạn có thể xuất trình trước Tòa bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, người làm chứng xác nhận việc gia đình bạn đã trả nợ trên thực tế. Còn việc vợ chồng ông A tự ý ghi thêm vào giấy vay nợ mà không có chữ kí của gia đình bạn thì giấy vay nợ vô hiệu và không có tác dụng khi làm chứng tại tòa. Chỉ cần xác minh được các bằng chứng trên là chính xác thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu cho gia đình bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Bạc Minh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn