Nguyễn Kim Quý

Thừa kế di sản là bất động sản có được quyền quản lý, sử dụng mà không cần sự đồng ý của những người thừa kế khác không?

Luật sư tư vấn về vấn đề quản lý di sản thừa kế của những người thừa kế. Một người thừa kế có thể tự ý quản lý di sản khi không có sự đồng ý của những người thừa kế khác không?

Nội dung tư vấn: Kính Chào Quý Luật Sư và Toàn Thể Công Ty! Xin Kính Chúc Công Ty luôn Thành Công và Phát Triển! Tôi Kính nhờ Quý Luật Sư tư vấn giúp về quyền quản lý tài sản đồng thừa kế. Ông Bà Ngoại tôi (đã mất) có di chúc để lại tài sản đồng thừa kế là miếng đất và ngôi nhà 5000m2, (ngôi nhà 200m2) cho Mẹ tôi và 4 người con khác (1 Dì, 3 Cậu). Tôi đã mua lại 1 phần thừa kế của 1 người Cậu, đã được nhà nước cấp sổ hồng đứng tên tôi, mẹ tôi cùng 1 Dì và 2 Cậu. Nay Mẹ tôi cũng đã mất, có di chúc lại cho tôi và em gái tôi phần thừa kế của bà, vậy hiện tại tôi và em gái có chung 2 phần thừa kế và cùng đồng thừa kế với 3 phần kia. Trong 16 năm qua Ông Bà Ngoại tôi có nhờ Vợ Chồng người cháu họ trông nom, quản lý và thờ cúng...được tự do canh tác và lấy phần lợi nhuận đó tự trả chi phí sinh hoạt. Nhưng nay người Cậu Cả tự ý đuổi Vợ Chồng người cháu và tự cho mình được quyền về ở quản lý, thờ cúng mà không cần sự đồng ý của tôi và em gái tôi. Tôi cũng đã làm 1 hợp đồng thuê lại Vợ Chồng người cháu đã ở 16 năm qua, thay mặt tôi và em gái tôi tiếp tục ở và cùng quản lý, trông nom 2/5 tài sản chung, nhưng Người Cậu Cả cho tôi chỉ là cháu ngoại, không có quyền gì...chỉ khi nào bán thì tôi và em gái tôi mới được hưởng 2/5 giá trị. Vậy Kính nhờ Quý Luật Sư tư vấn giúp tôi : - Theo luật đồng thừa kế tôi có được thuê người ở để thay mặt tôi quản lý, trông nom tài sản của mình không? - Nếu 1 trong 5 đồng thừa kế KHÔNG đồng ý Cậu Cả ở và quản lý, thờ cúng thì theo luật Cậu Cả có được tự ý ở và quản lý? Ông Bà Ngoại tôi đã không tin tưởng người Cậu Cả này, nên không di chúc lại quyền quản lý, thờ cúng cho riêng Cậu Cả mà để chung cho 5 người. Vậy Người Cậu Cả có đang làm sai luật hay không? Một lần nữa xin kính chúc quý luật sư cùng công ty nhiều sức khoẻ và thanh công. Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc thuê người thay mặt bạn quản lý, trông nom tài sản

 

Bạn được thừa kế tài sản một cách hợp pháp thông qua di chúc của ông bà ngoại, bạn cũng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ một người cậu và được cấp sổ hồng cùng mẹ, dì và 2 cậu, sau này khi mẹ bạn mất, bạn và em gái trở thành người thừa kế với phần di sản của mẹ. Như vậy, ngôi nhà và mảnh đất được coi là tài sản sở hữu chung của bạn, em gái bạn, dì và 2 người cậu của bạn. Việc quản lý với tài sản chung được quy định tại Điều 216 BLDS 2015:

 

“Điều 216. Quản lý tài sản chung

 

Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

 

Như vậy, trường hợp gia đình bạn đã phân chia rõ ràng phần quyền sử dụng, quyền sở hữu cho từng người thì với phần bất động sản của mình, bạn có quyền được thuê người khác trông nom và quản lý phần tài sản đó cho mình, nếu tài sản chưa được phân chia rõ ràng thì khi muốn thuê người khác quản lý, trông nom với phần tài sản này, bạn cần có sự đồng ý của những chủ sở hữu còn lại.

 

Thứ hai, về việc cậu cả của bạn ở và quản lý với di sản của ông bà bạn

 

Ông bà ngoại bạn đã mất có di chúc để lại một mảnh đất và ngôi nhà 5000 m2. Ông bà ngoại bạn đã không tin tưởng người cậu cả này, nên không di chúc lại quyền quản lý, thờ cúng cho riêng cậu cả mà để chung cho 5 người thừa kế quản lý di sản. Điều 616 BLDS 2015 quy định:

 

“Điều 616. Người quản lý di sản

 

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

 

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

 

3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”

 

Vì bạn không nói rõ về việc phần di sản là bất động sản này đã được phân chia rõ ràng cho từng người thừa kế hay chưa nên trường hợp nếu đã phân chia di sản rõ ràng cho từng người trong sổ hồng thì việc cậu cả của bạn về ở, trông nom, quản lý tại phần đất thuộc quyền sử dụng của mình thì điều này không trái với quy định của pháp luật, cậu cả của bạn có quyền được sinh sống tại phần phần diện tích đất thuộc phạm vi sử dụng của cậu. Trường hợp chưa có sự phân chia rõ ràng về phần diện tích sử dụng cho từng người thì cậu cả của bạn sẽ chỉ được quản lý, trông nom,... đối với di sản do ông bà ngoại bạn để lại khi trong di chúc của ông bà có cử người cậu cả là người quản lý, trông nom, thờ cúng hoặc những người thừa kế còn lại thống nhất thỏa thuận cử người cậu cả làm người quản lý, trông nom, thờ cúng thì người cậu cả mới được quyền quản lý, trông nom. Nếu một trong 5 người thừa kế không đồng ý để cậu cả quản lý, trông nom đối với phần di sản thì cậu cả không đủ điều kiện để được trông nom, quản lý di sản nên hành vi của người cậu cả tự ý về ở, quản lý, trông nom đối với phần di sản do ông bà ngoại bạn để lại mà không có sự đồng ý của những người còn lại là không đúng với quy định của pháp luật.

 

Trân trọng.

Phòng luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo