Hoài Nam

Thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được thừa kế

Bà nội tôi trước khi mất có để lại di chúc cho 4 người con bao gồm: Cô 2, Cô 3 , Cha tôi và Cô út. Nhưng tờ di chúc chỉ có chữ kí của bà nội tôi và không có công chứng. Bà tôi lập di chúc năm 1991 và mất năm 2002. Theo như tờ di chúc thì mảnh đất của bà tôi chia làm 4 phần và chia cho 4 người con. Sau khi bà tôi mất phần đất của cô 2, cô 3 và cô út đã bán cho bà Dì 10 (em ruột của bà nội).

 

Nhưng khi bán 2 bên chỉ thỏa thuận bằng miệng và các cô của tôi lúc đó cũng chưa khai báo tài sản được nhận và cũng chưa có bằng khoán đất riêng. Nay Cha tôi muốn làm bằng khoán phần đất của mình được thừa kế nhưng do vấn đề về tờ di chúc và Cô 2 của tôi cũng đang định cư ở nước ngoài. Vì vậy vấn đề cấp bằng khoán cho Cha tôi không được.

 

>> Tư vấn quy định về thủ tục thừa kế, gọi 19006169

 

Nội dung trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bà bạn lập di chúc năm 1991 và di chúc không có người làm chứng do đó để xác định di chúc này có hợp pháp hay không phải căn cứ theo quy định của pháp lệnh thừa kế 1990.

 

Điều 17 Pháp lệnh thừa kế 1990 có quy định về Di chúc viết không có chứng thực, xác nhận như sau:

 

“Di chúc viết không có chứng thực, xác nhận như quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Pháp lệnh này chỉ được coi là di chúc hợp pháp, nếu đúng là do người để lại di sản tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.”

 

Như vậy trong trường hợp này nếu bà bạn lập di chúc trong tình trạng sáng suốt, minh mẫn, không bị lừa dối, đe dọa, nội dung di chúc của bà không trái với quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì được xem là hợp pháp.

 

Các thành viên được hưởng di sản theo di chúc sẽ phải làm thủ tục sau:

 

Đến phòng đăng ký đất đai nộp hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

 

- Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người được hưởng di sản thừa kế.

 

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.

 

- Giấy tờ về di sản thừa kế như:  Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

 

- Di chúc hợp pháp;

 

- Giấy uỷ quyền (trường hợp cô bạn không thể về được)

 

Như vậy, khi những người đồng thừa kế xuất trình được các giấy tờ nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành phân chia và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được thừa kế.

 

Tại Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:

 

“a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”.

 

Đối với vấn đề hai cô của bạn chuyển nhượng phần di sản mà cô bạn được hưởng nếu di chúc hợp pháp thì khi này 2 cô của bạn không có cơ sở để thực hiện quyền này vì cô của bạn không đáp ứng đủ điều kiện nêu trên. Hai cô của bạn chỉ được thực hiện quyền của người sử dụng đất khi đã phòng đăng ký đất đai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cô bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn dân sự trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Lê Yến - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo