Hoài Nam

Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín yêu cầu bồi thường thế nào?

Phải xử lý như thế nào khi thông tin riêng tư bị mọi người lan truyền rộng rãi? Pháp luật quy định như thế nào để bảo vệ quyền lợi của công dân?

1. Luật sư tư vấn về quyền được bảo vệ danh dự, uy tín

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Để được bảo đảm quyền này trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về cách thức bảo vệ quyền trong quy định của Bộ luật dân sự.

Trong suốt quá trình tiếp nhận câu hỏi tư vấn, Luật Minh Gia đã nhận được rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề làm thế nào khi danh dự, uy tín bị xâm phạm. Nếu bạn cũng có những thắc mắc, băn khoăn về vấn đề này thì hãy liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định pháp luật.

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín

Câu hỏi tư vấn: Bố em năm nay 48 tuổi. Đợt vừa rồi công ty có tổ chức khám bệnh cho toàn nhân viên tại bệnh viện. Khi làm xét nghiệm tổng thể, kết quả xét nghiệm kết luận bố em bị nghiện ma túy và kết quả được truyền ra khắp đơn vị. Trong khi đó bố em khám lại tại bệnh viện khác thì không bị nghiện. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của bố em và ông đang muốn xin nghỉ hưu sớm để tránh lời đồn. Vậy theo anh chị giờ em phải làm gì để lấy lại danh dự cho ông.

Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh gia, trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín:

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

 2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

 

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Ngoài ra về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo thông tin bạn cung cấp có sự sai lệch kết quả xét nghiệm tổng quát giữa bệnh viện công ty tổ chức khám chữa bệnh và bệnh viện khác, bạn có thể yêu cầu bệnh viện nơi đã khám cho bố bạn phải kiểm tra lại thông tin và cải chính thông tin này nếu bạn có đủ căn cứ chứng minh cho yêu cầu của bạn.

 

Ngoài ra, nếu gia đình bạn có căn cứ chứng minh thông tin từ phía bệnh viện của công ty cung cấp đã làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bố bạn và có thiệt hại thực tế xảy ra thì bạn có thể yêu cầu đại diện bệnh viện này phải bồi thường thiệt hại cho bố bạn theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo đó nếu gia đình chứng minh được bố bạn có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu bệnh viện đưa ra thông tin này bồi thường cho bố bạn những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (nếu có), và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo