Luật sư Việt Dũng

Thẩm quyền, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển

Em là cán bộ Cảnh sát biển trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống, đấu tranh với tội phạm trên biển. Qua quá trình làm việc có một số vấn đề e chưa rõ, xin luật sư tư vấn mấy vấn đề sau

 

1. Hành vi cập mạn  mua bán trái phép,  trên biển là gì, các yếu tố cấu thành.

2. Việc nhận biết hóa đơn, chứng từ xoay vòng của tàu bè để gian lận.

3. Đối với tàu đóng theo Nghị định 67 có hành vi buôn bán, sang mạn dầu trên biển thì việc bắt giữ, đấu tranh ntn ạ?

4. Thẩm quyền của Cảnh sát biển trong nội thủy, Lãnh hải, Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong quá trình điều tra, phát hiện tội phạm, thực hiện quyền truy đuổi bên e có được quyền truy đuổi vào sâu trong nội địa vùng nước, trên bờ, bắt giữ và xử lý theo thẩm quyền không ạ? Xin cảm ơn luật sư ạ!

 

Trả lời: cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, hành vi cập mạn tàu mua bán trái phép trên biển hiện nay không có một quy định hướng dẫn cụ thể. Có thể hiểu hành vi này như sau: hai hoặc nhiều tàu thuyền có hành vi tiến sát thành  tàu sau đó có thể thả neo hoặc không thả neo để thực hiện việc mua bán trái phép.

 

Chủ thể thực hiện hành vi này có thể là người hoặc phương tiện ( có thể là tàu thuyền trong nước và tàu thuyền nước ngoài,…)

 

Xét về yếu tố khách quan: tàu thuyền có hành vi trao đổi hàng hóa có lợi nhuận đối với các đối tượng: Hàng hoá; Tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ (như USD, Yên…); Kim khí quý, đá quý (vàng, bạc, kim cương…)  Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;  Hàng cấm (bị Nhà nước cấm lưu thông) Hoặc là hành vi mua hoặc bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép xuất, nhập khẩu và các quy định khác của Nhà nước về hải quan

 

Xét yếu tố chủ quan do lỗi của các bên thực hiện hành vi.

 

Thứ hai, căn cứ tại thông tư 39/2014/TT – BTC có quy định về các ký hiệu, nội dung hóa đơn trong đó tại điều 23 có quy định về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp như sau:

 

1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

 

2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:

 

- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.

 

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.

 

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.

 

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.

 

- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

 

Theo đó có thể thấy nếu phát hiện có hành vi sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch hàng hóa, dịch vụ, hay một loại hóa đơn của một tổ chức khác,… theo quy định trên với mục đích mua bán trái phép, gian lận thuế,… thì cảnh sát biển trong thẩm quyền của mình có thể lập biên bản để xử lý theo pháp luật

 

Thứ ba, căn cứ vào quy định tại chương 2 từ điều 5 đến điều 16 của Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 2008 về quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng cảnh sát biển. theo đó  Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát; nếu có hành vi vi phạm thì được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Như vậy pháp luật không phân biệt tàu cá được đóng theo nghị định 67 hay tàu cá loại khác, tàu cá Việt Nam hay tàu nước ngoài mà khi phát hiện ra có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lực lượng cảnh sát biển có quyền kiểm tra, kiểm soát, khi có hành vi vi phạm thì xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

 

Thứ tư căn cứ vào quy định tại pháp lệnh về lực lượng cảnh sát biển năm 2008 thì trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Đồng thời trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm dứt; trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường. Người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước; trong trường hợp không có người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam để huy động hoặc đã huy động nhưng vẫn chưa giải quyết được tình thế cấp thiết, thì lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam có thể đề nghị người nước ngoài, phương tiện của cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam giúp đỡ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

 

Theo đó có thể thấy khi này hành động tội phạm vẫn đang tiếp diễn thì khi thấy có dấu hiệu phạm tội mà đang thực hiện việc truy đuổi trên biển thì lực lượng cảnh sát biển có quyền tiếp tục truy đuổi vào vùng nước hoặc đi vào bờ để ngăn chặn hoặc xử lý theo pháp luật. Trong trường hợp tội phạm lẩn trốn trên bờ thì lực lượng cảnh sát biển có thể thông báo và yêu cầu cơ quan điều tra nơi đối tượng lẩn trốn phối hợp vây bắt hoặc xử lý theo quy định.

 

                                                                                                           

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn