Trần Tuấn Hùng

Thắc mắc về việc thừa kế tài sản là đất đai từ ông để lại

Luật sư tư vấn về vấn đề hai mẹ con đang ở trên đất cha ông để lại cùng với bà nội và chú và nay bà không cho sửa chữa lại nhà để ở thì có được phép không?

 

Xin chào luật sư. Tôi có một số vấn đề rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư về vấn đề bất động sản. Tôi xin phép được trình bày vấn đề của mình như sau.Gia đình tôi có 3 người, đó là bố, mẹ tôi và tôi. Khi bố mẹ tôi kết hôn, bố mẹ tôi đã ở tại gian nhà lợp ngói, liền kề với gian nhà của ông, bà nội tôi, cùng thuộc thửa đất của các cụ để lại, bên cạnh đó có gia đình của chú ruột tôi là chú T. Tuy nhiên trước khi mẹ tôi về làm dâu thì ông nội tôi đã mất, nay chỉ còn bà nội. Sau khi tôi được 12 tuổi thì bố của tôi mất do ốm nhiều năm trước. Từ đó mẹ tôi và tôi vẫn ở trong gian nhà ấy cho đến giờ. Mẹ tôi buôn bán nhỏ để nuôi tôi ăn học. Đến nay, vợ của chú T tung tin dựng chuyện đổ oan cho mẹ tôi nhằm gây mâu thuẫn giữa mẹ tôi với bà nội tôi. Hơn nữa còn nhiều lần đe dọa đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà tôi đang ở sau khi bà nội tôi chết.Khi bà nội tôi cùng chú T thống nhất đã đưa ra quyết định sửa lại 2 gian nhà của bà tôi ở và gian của gia đình chú T vẫn ở, bà tôi triệu tập các con trong gia đình làm giấy tờ nhà gồm cả 3 gian nhà của bà tôi, chú tôi và gia đình tôi đang ở cho bà sở hữu. Vì bố tôi đã mất nên mẹ tôi được thay mặt để đồng ý với quyết định đó (quyết định quyền sở hữu 3 gian nhà cho bà nội tôi) năm 2014.Đến năm 2017, mẹ tôi cùng bác trưởng (tức anh ruột của bố tôi) xác nhận được việc quyền sở hữu 2 gian nhà của bà tôi và gia đình chú T là thuộc về vợ chồng chú T, còn gian nhà mẹ con tôi đang ở thuộc quyền sở hữu của riêng chú T. Chúng tôi rất bất bình vì việc này nằm ngoài dự đoán và không hề được biết bất kỳ thông tin gì và việc này thật trái với đạo đức. Căn nhà của tôi đang ở do một tay bố mẹ tôi xây dựng nên để được 1 gian nhà lợp ngói cấp 4 từ lâu. Đến nay qua nhiều năm chất lượng nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Trần nhà có hiện tượng sụt lún và tường nhà đã bong lở khá nhiều. Trời mưa nhà tôi nước vào xối xả, ngay cả phòng ngủ cũng dột rất nặng nề. Có rất nhiều kiến trúc sư và thợ đã cảnh cáo mẹ con tôi rằng căn nhà cần được sửa sang gấp vì trời mưa thực sự nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của mẹ con tôi. Đứng trước tình cảnh đó, bác cả đã rất cố gắng lên kế hoạch để xây sửa cho mẹ con tôi có chỗ tránh mưa tránh gió, tuy nhiên bà nội tôi là một mực phản đối và không cho phép chúng tôi xây sửa nhà, ép buộc chúng tôi phải sống trong căn nhà xuống cấp như thế này và bà tôi có nói rằng 'Cứ ở như vậy không sửa sang gì cả, bà chết rồi tính'. Tuy nhiên bà nội tôi ý muốn sau khi tôi lập gia đình cho tôi 100.000.000 VNĐ và để mẹ con tôi rời khỏi căn nhà này. Tôi rất bức xúc trước việc bà và gia đình chú T  làm vì bố tôi tuy đã mất nhưng tôi cần có một nơi để thờ cúng bố tôi và tôi có nơi để sống cùng mẹ tôi. Hơn nữa việc bà nội và chú tôi có nhà cao cửa rộng không đến mức không có nơi để ở mà lại nhẫn tâm đẩy mẹ con tôi vào bước đường cùng như vậy thật không công bằng. Tôi được biết việc chuyển giao quyền sở hữu đất hoàn toàn do vợ chồng chú T  xúi giục bà nội tôi làm ra.Tôi rất mong nhận được ý kiến của luật sư về trường hợp của tôi. Liệu mẹ con tôi có thể làm gì để lấy lại được căn nhà này của bố mẹ tôi xây dựng và sinh sống cho đến nay? Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ phía luật sư.Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Vì bạn không cung cấp rõ thông tin phần đất mà gia đình bạn, bà nội và chú bạn đang sinh sống là tài sản chung của ông bà hay là tài sản riêng của một trong hai người nên có các trường hợp như sau:

 

Thứ nhất, đất thuộc quyền sở hữu chung của ông bà hoặc thuộc sở hữu riêng của ông thì khi ông mất, bố của bạn cũng được hưởng một phần di sản thừa kế (nếu không có di chúc hoặc có di chúc nhưng trong di chúc có nội dung thể hiện ông có để lại di sản thừa kế cho bố)  từ ông và tới thời điểm hiện tại bố bạn mất thì bạn và mẹ vẫn được hưởng thừa kế từ bố. Nếu ông bạn đã mất lâu, thời hạn yêu cầu phân chia di sản đã hết mà không có ai yêu cầu chia thì di sản sẽ thuộc về người đang trực tiếp quản lý di sản. Khi này mẹ con bạn đang quản lý căn nhà và phần đất đó thì đây trở thành tài sản của mẹ con bạn. Bạn có thể tham khảo quy định về hàng thừa kế thứ nhất tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Thứ hai, nếu đất thuộc sở hữu riêng của bà thì bà bạn có quyền quyết định, mẹ con bạn không có quyền sử dụng khi bà không cho phép. Nếu bà bạn đòi lại nhà và đất thì mẹ con bạn có quyền yêu cầu bà phải thanh toán cho mình khoản tiền mà bạn và mẹ đã đầu tư vào đất và giá trị của căn nhà.

 

Nếu mẹ và bạn có quyền thừa kế từ bố thì hai mẹ con bạn có quyền yêu cầu chia phần di sản của bố để tiếp tục sử dụng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo