Trần Tuấn Hùng

Thắc mắc về việc giả mạo chữ ký của người khác để thực hiện giao dịch dân sự

Luật sư tư vấn về trường hợp thuê người khác giả mạo chữ ký của chồng cũ để thực hiện giao dịch dân sự cho mượn căn nhà là tài sản chưa chia sau ly hôn.


Xin chào Ông/Bà.Tôi có một việc muốn tư vấn như sau:Tôi và vợ cũ tôi có căn nhà là tài sản chung, năm 2011 ( tôi đã ly dị năm 2007) tôi và vợ cũ cùng ký cho một công ty mượn nhà cầm cố ngân hàng, cty này là cty do em ruột tôi làm chủ. Từ đó đến nay tôi k hề ký bất cứ một giấy tờ liên quan nữa.  Nay cty kia đã làm giải chấp căn nhà đó. Hiện tôi đang tiến hành vụ kiện chia tài sản chung trong đó có căn nhà, phía bên kia lấy lý do tôi cho em tôi mượn căn nhà để không chấp nhận một số khoản tranh chấp và cố tình kéo dài vụ án theo cách có lợi của bà ta, vì bà ra đang sử dụng căn nhà đó.Qua tìm hiểu tôi được biết chính bà ta mới là  người vẫn ký những giấy tờ liên quan tới ngân hàng, phần chữ ký của tôi không biết ai ký giả thay.Tôi chỉ muốn chứng minh trước toà là bà ta mới là người vẫn ký cho mượn nhà chứ không phải tôi, việc ai ký giả ký khống tôi cũng không quan tâm nữa. Nói rõ thêm là cty đã mượn nhà tôi không chịu giao những giấy tờ đó cho tôi , có thể họ sợ liên lụy tới pháp luật.Tôi muốn biết rõ hai điều sau để cân nhắc:

1- Đưa vụ việc ra công an hình sự hay toà án?

2- Nếu đưa ra thì những người liên quan như người ký, kế toán trưởng, giám đốc bị liên lụy thế nào? Mong sớm nhận được trả lời của văn phòng cty Luật Minh Gia. Xin cám ơn.

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, đưa vụ việc này ra hình sự hay Tòa án dân sự?

 

Về Nguyên tắc nếu sau ly hôn mà tài sản chung chưa chia thì căn nhà của bạn vẫn được coi là tài sản thuộc sở hữu chung của hai người.

 

Điều 216 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Quản lý tài sản chung như sau: “Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

 

Như vậy, cả bạn và vợ cũ của bạn đều có quyền ngang nhau với căn nhà, nếu vợ cũ bạn tự ý ký cho mượn thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình (yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu).

 

Việc vợ bạn giả mạo chữ ký của bạn để ký vào hợp đồng mượn nhà thì cần phải xem xét vợ của bạn có những dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Cụ thể, hành vi giả mạo chữ ký đã thỏa mãn dấu hiệu gian dối nhưng cần phải xác định động cơ và mục đích của vợ bạn khi thực hiện việc giả mạo chữ ký (có mục đích chiếm đoạt tài sản hay không). Bởi, Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

 

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

 

Như vậy, bạn có thể cân nhắc để đưa ra hình sự hay Tòa án dân sự. Việc đưa vụ việc ra cơ quan công an thì cơ quan sẽ cần phải xác minh, điều tra xem xét có dấu hiệu tội phạm hình sự hay không.

 

Thứ hai, nếu đưa ra thì những người như người ký, giám đốc, kế toán trưởng bị liên lụy như thế nào?

 

Trong trường hợp đưa vụ việc ra cơ quan pháp luật để giải quyết thì chúng tôi chưa có đầy đủ thông tin để xác định rằng kế toán và giám đốc có phải chịu trách nhiệm gì hay không. Tuy nhiên, các bên ký kết hợp đồng mượn nhà nên sẽ cần phải tuân theo các quy định của pháp luật về hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

 

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

 

Căn cứ các quy định trên thì việc giả chữ ký để ký hợp đồng mượn tài sản sẽ không đáp ứng được điều kiện chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu, và hai bên sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận (Khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015). Như vậy công ty đó phải trả lại căn nhà.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo