Trần Tuấn Hùng

Thắc mắc về việc chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại

Luật sư tư vấn về trường hợp bố mẹ mất để lại nhà nhưng chưa có sổ đỏ và những người thừa kế muốn bán để chia thì làm như thế nào, có ủy quyền từ nước ngoài cho người trong nước thực hiện được không?

 

Xin chào luật sư! Tôi có một số thắc mắc về vấn đề mua bán nhà đất mong luật sư giải đáp giúp.Cha mẹ tôi khi qua đời có để lại một ngôi nhà chung cho anh chị em,và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.Do nhiều lý do từ gia đình nên anh chị em tôi muốn bán ngôi nhà đó đi sau đó số tiền sẽ được chia đều cho bảy anh chị em. Theo tôi được biết nếu muốn bán nhà thì cần làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay mọi người thường hay gọi là "sổ hồng" vì nhà tôi thuộc khu vực thành phố.Gia đình tôi còn sáu anh chị em hiện đang ở Việt Nam,còn tôi hiện tại đang định cư ở Mỹ nhưng tôi vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Tôi muốn hỏi luật sư: Nếu gia đình tôi muốn bán ngôi nhà đó thì cần phải làm những gì? Tôi tham khảo trên mạng,mọi người tư vấn để đảm bảo quyền lợi cho tất cả anh chị em,khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,các anh chị em nên đứng tên đồng sở hữu có đúng không? Tôi đang ở nước ngoài có đứng tên trên giấy chứng nhận đồng sở hữu được không? Tôi ở nước ngoài không thể về nước để tiến hành các thủ tục,tôi có phải làm giấy uỷ quyền cho một trong các anh chị em ở Việt Nam để thay tôi tiến hành các thủ tục hay không? Giấy uỷ quyền đó thế nào? Cần công chứng ở đâu? Hoặc nếu tôi có nhờ luật sư ở Việt Nam đứng ra làm thủ tục giúp tôi thì có đơn giản hơn không? Rất mong sớm nhận được trả lời từ quý luật sư.Trân trọng cám ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, việc để lại di sản thừa kế là mảnh đất cho tất cả các anh chị em nhưng chưa có sổ đỏ thì phải thực hiện như thế nào?

 

Tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

…”

Theo thông tin cung cấp thì Bố mẹ bạn mất mà không để lại di chúc, vì vậy, di sản mà bố mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất trên.

 

Trường hợp không có thỏa thuận khác giữa những người thừa kế thì tất cả những người này là đồng sở hữu đối với mảnh đất mà bố mẹ bạn để lại. Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tất cả đều được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp.

 

Nếu không thể phân chia cho những người thừa kế ở hàng thứ nhất bằng hiện vật thì những người này có thể thỏa thuận để một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người được đứng tên này sẽ có nghĩa vụ hoàn trả cho những người thừa kế cùng hàng thừa kế còn lại phần giá trị (tiền hoặc tài sản khác) tương đương với giá trị phần diện tích đất đáng lẽ họ được hưởng thừa kế. Với trường hợp này, giữa những người thừa kế cần lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế về việc để một người duy nhất đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nghĩa vụ hoàn trả số tiền tương ứng cho những người thừa kế còn lại.

 

Thứ hai,  bạn có thể ủy quyền cho một trong những người còn lại để thực hiện tất cả các thủ tục có liên quan.

 

Căn cứ Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Hợp đồng ủy quyền như sau:

 

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

 

Như vậy, bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho một trong những người anh chị em còn lại trong gia đình để thực hiện những thủ tục đối với việc hưởng di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho mình.

 

Căn cứ Khoản 2 Điều 55 Luật công chứng năm 2014 thì:

 

“Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.

 

Cụ thể, bạn phải công chứng hợp đồng ủy quyền tại Đại sứ quán của Việt Nam tại Mỹ , sau đó gửi bản gốc hợp đồng ủy quyền đã được công chứng đó cho người nhận ủy quyền tại Việt Nam sau đó người nhận ủy quyền tiếp tục đem công chứng tại văn phòng công chứng nơi họ cư trú tại Việt Nam. Việc ủy quyền cho Luật sư cũng được thực hiện tương tự như ủy quyền với người khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo