Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về quyền tham gia tố tụng của người thừa kế

Vay nợ là giao dịch dân sự phổ biến diễn ra hằng ngày. Khi đến hạn thì người vay có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đã vay cho người cho vay. Tuy nhiên, một vấn đề xảy ra là khi người cho vay chết, người thừa kế có quyền được đòi nợ thay hay không, Luật Minh Gia sẽ giải đáp ngay sau đây.

Nội dung yêu cầu tư vấn:

Văn phòng cho hỏi: Năm 202x mẹ tôi kiện một người hàng xóm ra tòa để đòi nợ và đã được tòa xem xét thụ lý. Tuy nhiên, cuối năm đó mẹ tôi qua đời. Xin hỏi luật sư, khi mẹ tôi mất, tòa án có ra quyết định đình chỉ vụ án và tôi có được kế thừa quyền và nghĩa vụ của mẹ để tham gia tố tụng hay không? quy định thế nào, tôi xin cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn của mình tới Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó có thể thấy, quyền đòi nợ cũng là một loại tài sản (quyền tài sản). Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 quy định chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Như vậy, mẹ bạn có quyền để lại thừa kế là quyền đòi nợ cho những người thừa kế của mình.

Theo Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng như sau:“1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.”

Đồng thời căn cứ theo Điều 614 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế như sau:“Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”

Như vậy, đối chiếu 02 quy định nêu trên, mẹ bạn là nguyên đơn đang tham gia tố tụng chết mà quyền tài sản được thừa kế, thì những người thừa kế của mẹ bạn sẽ được tham gia tố tụng.

Theo khoản 1 Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

“1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;

g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;

h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn kiện hàng xóm ra tòa để đòi nợ, sau đó mẹ bạn qua đời. Trường hợp của gia đình bạn, khi mẹ bạn mất, bạn là người được thừa kế quyền đòi nợ của mẹ bạn. Do đó, Tòa án sẽ không ra quyết định giải quyết vụ án dân sự, do trường hợp của mẹ bạn không thuộc vào các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Từ những căn cứ nên trên, bạn là người thừa kế của mẹ bạn, do vậy bạn được quyền tham gia tố tụng để thực hiện quyền đòi nợ.

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo