Trần Phương Hà

Quy định của pháp luật về Thừa kế theo pháp luật

Bà nội em cất cho ba em cùng với người cô thứ 4 và thím 5 (vợ chú 5 em chú em mất cách đây 10 năm) mỗi người 1 căn nhà cất nhà cách đây đã được 6 năm nhưng chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, đến nay bà nội em đã mất được 2 năm nhưng không để lại di chúc. Ba em yêu cầu chú út tách QSDĐ ra cho ba em nhưng chú út em cho rằng đất đó là của chú út em. Vậy nếu thưa ra toà án thì quy định pháp luật trường hợp này thế nào ạ.

Trong gia đình nội em gồm có 4 người con trai và 3 người con gái, ba của em là anh cả. người chú thứ 5 của e đã mất cách đây 10 năm. người con trai thứ 3 thì có vợ về bên vợ sống, 2 người cô thì theo chồng. Bà nội em cất cho ba em cùng với người cô thứ 4 và thím 5 (vợ chú 5 em chú em mất cách đây 10 năm) mỗi người 1 căn nhà cất nhà cách đây đã được 6 năm nhưng chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, đến nay bà nội e đã mất được 2 năm nhưng không để lại di chúc. Ba em yêu cầu chú út tách QSDĐ ra cho ba em nhưng chú út em cho rằng đất đó là của chú út em (vì chú em là con út nên nghĩ là có quyền thừa hưởng hết toàn bộ tài sản đó) ba em không có quyền ở đó nên không đồng ý cho ba em tách. Ba em làm đơn thưa ra ấp rồi đến xã nhưng vẫn không có biện pháp nào để ép buộc được chú em tách QSDĐ tranh chấp cũng 1 năm rồi. Em xin hỏi luật sư nếu thưa ra toà án thì quy định pháp luật trường hợp này thế nào ạ. Em mong nhận được hồi âm sớm của luật sư.
Em xin cảm ơn .

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, khi bà nội bạn còn sống có chia (bằng miệng) cho Bố bạn, cô thứ 4 và thím 5 mỗi người một căn nhà. Như vậy, việc bà nội bạn nói chia đất như vậy sẽ được coi là một di chúc của bà nội bạn. Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 về Hình thức của di chúc“Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

Tuy nhiên, tại Khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự quy định về Di chúc hợp pháp:

“Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”

Như vậy, di chúc của bà nội bạn không có hiệu lực pháp luật.

Vì vậy, phần diện tích đất của bà nội bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Về việc chia di sản thừa kế theo pháp luật

Tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về Người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
....
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Theo quy định trên thì phần diện tích của bà bạn sẽ được chia đều cho 7 người con của ông bà (gồm 4 người con trai và 3 người con gái). Riêng đối với trường hợp người chú thứ 5 đã chết cách đây 10 năm (mất trước bà nội bạn): Theo quy định tại Ðiều 677 Bộ luật dân sự về thừa kế thế vị - “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo đó, các con của chú 5 sẽ được hưởng phần di sản mà chú được hưởng nếu còn sống.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định của pháp luật về Thừa kế theo pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Thu Hưởng – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo