Luật sư Dương Châm

Phân chia di sản trong trường hợp có thừa kế thế vị

Ba tôi mất cùng thời điểm với bà nội tôi. Hơn mười năm sau ông nội tôi mất. Các cô tôi bảo tôi chỉ được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản do ông tôi để lại do bà tôi mất lâu rồi. Điều này có đúng không?

Hỏi luật sư tư vấn chia thừa kế thế vị

Dạ thưa luật sư cho tôi xin hỏi vấn đề sau : Ông bà nội tôi có 3 người con : ba tôi và 2 người cô. Từ lúc mới sinh ra ba mẹ tôi đã ly hôn,tôi về sống với ba cùng ông,bà nội và các cô.Vào năm tôi 8 tuổi (năm 1999) vì tai nạn giao thông nên ba và bà nội tôi mất,tôi sống cùng ông nội và 2 cô.Năm 2013 ông nội tôi mất do bi bệnh không để lại di chúc,2 cô tôi đã gọi người đến bán căn nhà của ông bà nội và nói phần của tôi chỉ bằng 1/3 trên 1/2 căn nhà phần của ông nội vì bà nội đã mất hơn 10 năm .Thưa luật sư phân chia như vậy có đúng không ? pháp luật quy định thế nào? rất mong tư vấn của luật sư tôi xin cám ơn.
 
TRẢ LỜI

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Trong trường hợp người mất không để lại di chúc thì việc phân chia di sản thừa kế sẽ theo quy định của pháp luật. Cụ thể nguyên tắc phân chia được quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
 
Theo quy định tại điều 677 Bộ luật dân sự thì: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Trong trường hợp của bạn, ba bạn mất cùng thời điểm với bà nội bạn, và mất trước ông nội bạn, do vậy bạn sẽ được hưởng thừa kế thế vị đối với phần di sản mà ba bạn lẽ ra được hưởng khi còn sống.

Vì bạn không cung cấp cụ thể nên chúng tôi đặt các giả thiết sau:

Trường hợp 1: Căn nhà là tài sản chung của ông, bà bạn

Trong trường hợp này, ông, bà bạn, mỗi người sẽ có quyền sở hữu đối với ½ giá trị căn nhà.

Năm 1999, bà nội bạn mất cùng thời điểm với ba bạn. Như vậy những người được hưởng thừa kế đối với phần di sản mà bà bạn để lại (1/2 giá trị căn nhà) bao gồm: ông nội bạn, 2 cô bạn, bạn (đặt giả thiết cha mẹ của bà bạn không còn tại thời điểm này). Như vậy, bạn sẽ được hưởng ¼ của ½ giá trị căn nhà.

Tới thời điểm này, phần sở hữu của ông bạn đối với căn nhà là: ½+ ¼ (tạm gọi là A).

Năm 2013, ông nội bạn mất. Lúc này những người được thừa kế bao gồm: bạn, 2 cô bạn (đặt giả thiết cha mẹ của ông nội bạn không còn tại thời điểm này). Như vậy bạn sẽ được hưởng 1/3 của A.

Như vậy tới nay nếu bán căn nhà thì bạn sẽ được hưởng tổng giá trị phần di sản nêu trên.
 
Trường hợp 2, căn nhà là tài sản riêng của bà nội bạn

Năm 1999, bà nội bạn mất cùng thời điểm với ba bạn. Những người được hưởng thừa kế đối với phần di sản mà bà bạn để lại bao gồm: ông nội bạn, 2 cô bạn, bạn (đặt giả thiết cha mẹ của bà bạn không còn tại thời điểm này). Như vậy, bạn sẽ được hưởng ¼ giá trị căn nhà là phần di sản mà bà bạn để lại.

Năm 2013, ông nội bạn mất. Lúc này những người được thừa kế bao gồm: bạn, 2 cô bạn (đặt giả thiết cha mẹ của ông nội bạn không còn tại thời điểm này). Như vậy bạn sẽ được hưởng 1/3 của ¼ giá trị căn nhà là phần di sản mà ông bạn để lại.

Tới thời điểm này nếu bán căn nhà thì bạn sẽ được hưởng tổng phần di sản nêu trên
 
Trường hợp 2, căn nhà là tài sản riêng của ông nội bạn

Năm 2013, ông nội bạn mất. Lúc này những người được thừa kế bao gồm: bạn, 2 cô bạn (đặt giả thiết cha mẹ của ông nội bạn không còn tại thời điểm này). Như vậy bạn sẽ được hưởng 1/3 giá trị căn nhà.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Phân chia di sản trong trường hợp có thừa kế thế vị. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng



Luật gia Nguyễn Ngân- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo