Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Kính gửi quý công ty, mong các bác tư vấn giúp trường hợp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đai của gia đình tôi như sau. Ông bà ngoại tôi sinh được 5 người con. Bác đầu được ông đưa đi ra HB học rồi làm việc định cư ngoài HB. Bác thứ hai cũng được ông đưa đi học và định cư trong QN. Bác thứ ba thì đi bộ đội và hy sinh.

Gia đình tôi trước ở HD, sau vì thiên tai nên được di dân lên HH cải tạo đất ở. Khi chuyển đến vùng đất mới chỉ có bà ngoại, mẹ tôi và dì tôi cải tạo mảnh đất. Ông ngoại tôi mất từ thời chiến tranh rồi, mẹ tôi ở với bà cho đến bây giờ. Đến nay bà ngoại tôi đã 101 tuổi không còn minh mẫn, và chưa hề có bản di chúc nào. Bác trai lớn về đòi chia mảnh đất, vậy mảnh đất nhà tôi sẽ được chia như thế nào là đúng luật. Và mẹ tôi có được bồi thường tiền đổ đất và xây dựng trên phần đất được chia cho những thành viên khác không? Mong nhận được phản hồi sớm nhất từ quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định:

 

“29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”

 

Từ những thông tin mà bạn cung cấp cho thấy mảnh đất mà gia đình bạn đang sử dụng là đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, mỗi thành viên trong hộ gia đình đều có quyền ngang nhau đối với mảnh đất này. Bạn cần xác định nguồn gốc của mảnh đất, nếu tại thời điểm gia đình bạn được giao đất cải tạo hay khai hoang chỉ có ông bà ngoại bạn, mẹ bạn và dì bạn do đó chỉ có những người này có quyền sử dụng đối với mảnh đất. Bác bạn không có quyền sử dụng đối với mảnh đất này.

 

Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;…”

 

Và Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế:

 

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó…”

 

Ông ngoại bạn mất không để lại di chúc nên sẽ chia thừa kế theo pháp luật nếu những người thừa kế của ông không thỏa thuận được về việc phân chia di sản, theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015 thì những người thừa kế hàng thứ nhất của ông ngoại bạn là bà ngoại bạn, mẹ bạn, dì bạn và các bác của bạn. Những người này sẽ được hưởng phần di sản mà ông bạn để lại. Và các bác của bạn chỉ được chia di sản trên cơ sở phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông ngoại bạn, nếu trên phần đất đó có tài sản của mẹ bạn thì hai bên có thể thỏa thuận về việc bồi thường. Tuy nhiên cần xem xét vấn đề thời hiệu khởi kiện, nếu ông ngoại đã mất cách đây hơn 30 năm thì thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế đã hết. Tuy nhiên nếu ông mất trước ngày 10/09/1990 thì thời hiệu được tính là 30 năm kể từ ngày 10/09/1990 (Tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP). Nếu đã hết thời hiệu khởi kiện thì di sản của ông sẽ thuộc về người đang quản lý di sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Vũ Thị Yến - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo