Luật sư Việt Dũng

Phân chia di sản khi người thừa kế bị Tòa án tuyên mất tích

Luật sư tư vấn về trường hợp chia di sản thừa kế khi có người thừa kế Tòa án tuyên chết, tuyên mất tích. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính thưa Chuyên gia pháp luật,Tôi là một nhà giáo về hưu. Xin cho tôi hỏi một trường hợp như sau:Cha tôi (chết năm 2002) và mẹ tôi (chết năm 2016) có để lại di sản là căn nhà và đất nhưng không có di chúc cho ai. Cha và mẹ tôi có 12 người con, trong đó:- Người con tên P (sinh năm 1962) đã bỏ nhà đi Lào từ khoảng năm 1998, đến nay không liên lạc được, không biết hiện nay còn sống hay chết. Anh P có 01 người vợ tên L (sinh năm 1962) và 01 người con tên T (sinh năm 1984), nhưng:+ Chị L đã bỏ nhà đi sang Trung Quốc từ năm 1987 và đến nay không liên lạc được. Chị L còn người Cha nhưng chúng tôi cũng không biết ở đâu, không liên lạc được ông cụ.+ Con gái chị anh P tên T vẫn còn hộ khẩu chung nhà tôi nhưng trên thực tế T bỏ đi kiếm sống ở Lào Cai từ năm 2007 đến nay và tôi cũng không liê lạc được.- Người con tên V (sinh năm 1969) chưa có vợ con. Nhưng từ khoảng đầu năm 2017 thì anh V đã bỏ gia đình đi đâu cũng không ai biết và không liên lạc được. Hộ khẩu anh V thì vẫn chung nhà với tôi.- Người con gái tên H (sinh năm 1965) đang định cư tại nước ngoài.Gia đình chúng tôi muốn chia di sản của cha mẹ để lại. Xin cho chúng tôi hỏi chúng tôi phải làm cách nào mới phân chia được?Chúng tôi tôi có hỏi thăm thì có nhiều người chỉ khác nhau, như:1. Có người thì bảo rằng chúng tôi phải làm Đơn yêu cầu Tòa án tỉnh tuyên bố anh P chết, Thông báo kiếm anh V. Khi đến Tòa án tỉnh thì nơi này nói nếu tuyên bố anh P chết thì phải đưa cả vợ và con anh P vào tham gia tố tụng, khi đó phát sinh con gái anh P phải làm thủ tục Thông báo kiếm người như với anh V, rồi vợ anh P đi Trung Quốc không liên lạc được cũng phải làm Thông báo tìm hoặc tuyên bố chết. Tòa cũng nói nếu làm thủ tục yêu cầu với vợ và con anh P thì sẽ phát sinh thêm cha của chị L (vợ anh P) là người yêu cầu chứ chúng tôi không có quyền yêu cầu. Trong khi đó chúng tôi không biết cha chị L ở đâu vì ngày xưa chị L về ở với anh P là sống cặp với nhau chứ gia đình 2 bên không cưới hỏi, không biết nhau.2. Có người thì chỉ dẫn chúng tôi làm thủ tục khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia di sản thừa kế. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi Tòa án hướng dẫn thì nơi này bảo muốn khởi kiện thì phải xác định người bị kiện là ai, phải cung cấp đầy đủ giấy tờ nhân thân của cả vợ anh P. Nhưng chúng tôi không có giấy tờ của chị này, chỉ có khai sinh của T có ghi tên mẹ nó là chị L. Chúng tôi cũng không biết trường hợp này chúng tôi sẽ ghi người bị kiện là ai nữa?Di sản có giá trị không lớn, nếu chia đều cho tất cả những người con thì mỗi người được không hơn 40 triệu đồng. Hoàn cảnh chúng tôi thì đều nghèo khó, thật sự không đủ khả năng mời luật sư giúp nên kính mong được các chuyên gia thương tình, chỉ dẫn tận tình cho chúng tôi cách tháo gỡ. Xin cho chúng tôi biết cách tốt nhất để có thể phân chia di sản của cha mẹ để lại.Kính chúc chuyên gia luôn có sức khỏe tốt nhất, tỏa sáng trong sự nghiệp bảo vệ Công lý!Trân trọng kính chào và chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bác chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Vì bố mẹ bác khi mất không để lại di chúc cho nên khi này những di sản của ông bà tức những tài sản riêng của ông bà và tài sản của ông bà trong phần tài sản chung với người khác sẽ phân chia theo pháp luật. Căn cứ theo quy định tại điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 có nội dung như sau:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Đồng thời theo quy định của pháp luật dân sự tại điều 72 khi người bị Tòa án tuyên bố chết thì phần tài sản đó sẽ được chia thừa kế:

 

Điều 72. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết

 

1. Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

 

2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

 

Theo đó lúc này di sản để lại sẽ phân chia cho 12 người con, mỗi người hưởng một phần như nhau. Vì hiện tại người con là P đã đi khỏi nhà và biệt tích bấy lâu nay không có tin tức gì cho nên gia đình có thể yêu cầu Tòa án tuyên là P đã chết. Vì hiện tại những người thân thích của P cũng đều không có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, con đẻ, con nuôi (nếu có) thì sẽ phân chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai phần di sản được chia của P. Đồng thời người con V đã bỏ đi từ đầu năm 2017 cho nên gia đình có thể làm đơn yêu cầu Tòa án thông báo mất tích để tìm kiếm trường hợp Tòa án tuyên mất tích thì phần tài sản của V sẽ được giao cho những người thân thích quản lý, còn trường hợp đủ điều kiện tuyên V chết thì khi này tài sản lại được chia thừa kế phần của V. Còn với người con tên H đang định cư tại nước ngoài nếu không muốn sang Việt Nam để phân chia di sản thì sẽ thực hiện việc ủy quyền cho một người trong gia đình những người thuộc hàng thừa kế hoặc bất kỳ người nào thực hiện công việc thay mình thông qua văn bản ủy quyền hoặc văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có công chứng, chứng thực của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước người đó đang định cư.

 

Như vậy để phân chia phần di sản này theo pháp luật thì gia đình sẽ phải thực hiện việc tuyên bố người con đang biệt tích là mất tích và yêu cầu thông báo tìm kiếm nếu vẫn không có thông tin hồi âm thì yêu cầu tuyên bố chết hoặc mất tích sau đó phân chia di sản. Lúc này khi phân chia thì tất cả những người thuộc hàng thừa kế có thể họp gia đình để thỏa thuận việc người quản lý di sản, cách thức phân chia,….việc thỏa thuận sẽ được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.


 CV tư vấn: Hà Tuyền  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo