Hoàng Tuấn Anh

Mượn chứng minh thư của người khác mua hàng trả góp bị xử lí thế nào?

Tư vấn trường hợp bạn mượn chứng minh thư, bằng lái xe để đi mua hàng trả góp mà không biết. Hiện nay, người bán hàng đến đòi người trên chứng minh thư thanh toán số tiền phải trả do người mua trả góp chưa thanh toán hết thì cử lí như thế nào?

 

Nội dung câu hỏi: Lúc trước anh của em có cho bạn của anh mượn cái chứng minh photo và bằng lái xe, hôm nay hay tin dữ là hồ sơ của anh em nằm trên thế giới di động, hay ngân hàng gì đó, vì mua trả góp điện thoại, nhưng không thanh toán trả góp, thì mới tá hoả ra, 2 ngày nay nhân viên đến nhà e đòi tiền, vậy e xin hỏi luật sư trong trường hợp đó thì anh em có phạm tội không ạ? Còn bố e vì cần tiền nên mượn ngân hàng khác nhưng các ngân hàng thông đồng với nhau bỏ cả gia đình e vào sổ đen, từ nay không thể vay tiền bất cứ một ngân hàng nào nữa, vậy nhà e có được kiện lại nhân viên hay ngân hàng, người đã làm hồ sơ cho tên lừa đảo mua trả góp điện thoại, làm cho nhà e bị vào sổ đen của các ngân hàng không, vì lỗi là ở sự làm việc sơ suất của ngân hàng đó? Và yêu cầu họ xoá tên gia đình e khỏi hồ sơ đen của các ngân hàng được không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 7 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA quy định sử dụng Chứng minh nhân dân như sau:

 

"1. Công dân được sử dụng Chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Số Chứng minh nhân dân được dùng để ghi vào một số loại giấy tờ khác của công dân.

 

2. Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp... Chứng minh nhân dân."

 

Tại điểm a  Khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân như sau:

 

"2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

 

b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;

 

c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật".

 

Như vậy, việc anh bạn (anh A) cho bạn mình (anh B) mượn chứng minh nhân dân là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu anh B tự ý dùng chứng minh nhân dân của anh A để mua hàng trả góp mà không trả nợ đúng hạn thì bạn có thể nhờ đến cơ quan chức năng xem xét dựa trên giấy tờ mua bán. Việc mua điện thoại trả góp là hợp đồng mượn tài sản quy định tại Điều 494 Bộ Luật dân sự 2015.

 

Điều 494 Bộ Luật dân sự 2015 quy định Hợp đồng mượn tài sản:

 

“Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.

 

Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

…”

 

Nếu anh A cho anh B mượn nhưng không biết mục đích của B mua trả góp và anh A không ký vào hợp đồng vay thì A có quyền yêu cầu ngân hàng xem xét lại tư cách chủ thể khi ký kết hợp đồng vay. Trong thời gian mua trả góp anh B đã trốn tránh nghĩa vụ và bỏ trốn thì hành vi đó thuộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015. 

 

Còn bố bạn vì cần tiền nên vay ngân hàng khác nhưng từ nay không thể vay tiền bất cứ một ngân hàng nào nữa, nếu bị ngân hàng đòi tiền thì anh A được quyền yêu cầu ngân hàng chứng minh chính anh A đã vay khoản tiền đó và anh A đã nhận khoản tiền vay đó từ ngân hàng.

 

Trong trường hợp cần thiết, anh A có quyền đề nghị yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký trong các hợp đồng tín dụng để làm rõ đó không phải là chữ ký của anh A.  Anh A cũng có thể chứng minh không nhận bất kỳ khoản tiền giải ngân nào liên quan đến các hợp đồng tín dụng mà anh B đã vay trả góp với danh nghĩa của Anh A.

 

Theo như bạn trình bày, anh A bị lừa dối trong việc mượn và sử dụng chứng minh nhân dân và ngân hàng cũng bị lừa dối hoặc/và có sai sót về mặt nghiệp vụ dẫn đến không phát hiện hành vi của người đi vay trong việc sử dụng chứng minh nhân dân của người khác. Hành vi anh B đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, ngân hàng không được quyền yêu cầu anh A trả tiền mà phải yêu cầu anh B trả tiền và ngân hàng phải tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm pháp lý tương ứng. Tuy anh A không liên quan trong giao dịch vay ngân hàng và hành vi có dấu hiệu tội phạm của anh B nhưng chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân của mỗi người, anh A cho người khác mượn và sử dụng chứng minh nhân dân của mình là không phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Phương Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo