Nông Bá Khu

Một số thắc mắc về việc vay tiền không trả

Luật sư tư vấn về những điều cần lưu ý để giải quyết khi khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn:  Tôi đăng ký thường trú tại huyện C. Nay muốn khởi kiện người đang đăng ký thường trú tại Phường X - Thành phố H về việc "Vay mượn tiền không trả":

1) Tôi cần nộp đơn khởi kiện ở đâu? Nộp cho cơ quan Pháp luật nào? Có nộp được qua đường bưu điện hay không?

2) Hồ sơ khởi kiện gồm những gì là cần thiết?

3) Những nội dung tin nhắn trong điện thoại và Zalo giữa tôi và người đó có được xem là bằng chứng không?

4) Mượn tiền từ 5 triệu đến 10 triệu mà không trả thì vi phạm ở điều khoản nào?

Rất mong được tư vấn. Tôi chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. 

 

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ - Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

..."

 

Như vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Như thông tin bạn cung cấp thì người vay tiền của bạn đăng ký thường trú tại TP H. Theo đó, bạn có thể nộp hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự đến Tòa án nhân dân thành phố H. Hồ sơ khởi kiện được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua đường bưu điện.

 

Thứ hai, về hồ sơ khởi kiện gồm những gì là cần thiết?

 

Hồ sơ khởi kiện phải đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật:

 

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

- Đơn khởi kiện (theo mẫu)

- Bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu;

- Hợp đồng vay tiền, giấy ghi nợ; bản ghi âm, ghi hình, giấy tờ khác chứng minh về vụ việc;...                       

 

Thứ ba, những nội dung tin nhắn trong điện thoại và Zalo có được coi là chứng cứ chứng minh vụ việc không? 

 

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: 

 

 

"Điều 94. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự.

4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

 

Điều 95. Xác định chứng cứ

1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

..."

 

 

Do đó, nếu bạn dùng những đoạn hội thoại trên mạng xã hội làm chứng cứ chứng minh cho việc mình khởi kiện đòi lại số tiền đã cho vay thì rất khó để được công nhận đó là chứng cứ. Chỉ trong trường hợp người đó thừa nhận đó là tin nhắn họ đã nhắn với bạn, và trong nội dung tin nhắn cũng cần phải chứa đựng nội dung việc vay khoản tiền đó thì bạn mới có thể khởi kiện  với chứng cứ này.

 

Thứ tư, việc mượn tiền từ 5 triệu đến 10 triệu mà không trả thì vi phạm ở điều khoản nào?

 

Điều 474, Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

..."

Việc bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả tìn cho bạn khi đến hạn trong thỏa thuận là vi phạm nghĩa vụ dân sự được Bộ luật dân sự ghi nhận. Theo đó, kể từ thời điểm bên vay không thực hiện nghĩa vụ đến hạn tức là quyền lợi của bạn bị xâm hại, thời điểm đó bạn sẽ phát sinh quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân để giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. 

 

Trong trường hợp người vay tiền bạn có hành vi gian dối, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể xem xét mức độ nguy hiểm của hành vi để truy cứu trách nhiệm hình sự. 

 

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy đinh: 

 

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

…”

Như vậy, tùy theo tính chất của vụ việc mà cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và xác định người vay có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không để có thể định tội danh cho phù hợp.

 

Trong trường hợp này nếu bên vay không có bất kỳ một tài sản nào để có thể thanh toán khoản nợ vay cũng như chứng minh được bên vay không hề phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay sẽ phải hoàn toàn chịu rủi ro.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Một số thắc mắc về việc vay tiền không trả . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Hứa Thị Nhàn – CÔNG TY LUẬT MINH GIA

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo