LS Hồng Nhung

Luật sư tư vấn về vấn đề phân chia di sản thừa kế trong di chúc chung của vợ chồng

Vậy xin Luật Minh Gia cho tôi biết là việc của ngoại tôi có đúng theo quy định của di chúc, quyền sở hữu của cậu C tôi về những thửa đất chia sau di chúc có đúng theo như ý nguyện của ông bà ngoại tôi là đứng tên hộ. Và việc nếu chúng tôi can thiệp vào để ngưng việc này có đúng theo quy định của pháp luật. Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Tôi và mẹ tôi ở chung với hai người dì và ông bà ngoại (mẹ tôi và hai dì mắc bệnh tâm thần từ năm 1980, mẹ tôi không có chồng), gia đình tôi còn có 3 người cậu ở riêng. Ngoại và tôi là những người trực tiếp nuôi dưỡng mẹ và 2 dì. Năm 2008 ông bà ngoại tôi có lập bản di chúc có xác thực của UBND xã, về nội dung như sau: nhắn nhủ với con cháu, chia một phần đất của ông bà thành nhiều miếng cho tôi và hai người cậu A và B đứng tên hộ (Có ghi rõ trong di chúc là chỉ nhờ đứng tên hộ, tài sản này chỉ phục vụ cho ông bà khi còn sống, mẹ tôi và 2 dì khi cần, nếu bán lấy tiền lo cho công việc và sức khỏe của mẹ và 2 dì thì người đứng tên hộ và vợ con phải ký đồng ý bán), người cậu C còn lại không được chia, số đất còn lại vẫn để ông bà ngoại đứng tên. Trên mãnh đất trồng cao su để lo cho thu nhập của ông bà ngoại, mẹ, hai dì và tôi. sau đó việc tách thửa chia đất được hoàn thành như ý nguyện của ông bà, có thêm một văn bản đứng tên giùm do tôi và hai cậu lập ra, các bên cùng đồng ý ký tên chỉ đứng tên hộ, không là tài sản của riêng ai. Năm 2009 ngoại tôi bán một phần đất nhỏ để lấy tiền tiết kiệm, ủy quyền cho người cậu B gửi ngân hàng và lĩnh tiền lời gửi lại cho ông bà sử dụng (có cam kết bằng văn bản). Năm 2010 ông ngoại tôi qua đời, mọi việc vẫn tiếp diễn bình thường. Nhưng một thời gian sau người cậu C không được chia đất đứng tên hộ yêu cầu bà ngoại tôi chia cho một miếng đất "để đứng tên hộ" như tôi và hai cậu kia. Và ngoại tôi đồng ý, thửa đất được chia cho cậu tôi tách từ thửa đất do ngoại tôi đứng tên, nhưng không sửa lại di chúc và không có cam kết ràng buộc đứng tên hộ. Năm 2017, hai dì tôi đột ngột qua đời trong cơn bạo bệnh, ngoại tôi rất buồn, tinh thần suy sút. Năm 2018, ngoại tôi yêu cầu cậu B rút toàn bộ số tiền ngân hàng gửi cho cậu C, và yêu cầu cắt thêm một phần đất chia cho người cậu C. Vậy xin Luật Minh Gia cho tôi biết là việc của ngoại tôi có đúng theo quy định của di chúc, quyền sở hữu của cậu C tôi về những thửa đất chia sau di chúc có đúng theo như ý nguyện của ông bà ngoại tôi là đứng tên hộ. Và việc nếu chúng tôi can thiệp vào để ngưng việc này có đúng theo quy định của pháp luật. Xin chân thành cảm ơn quý Công ty rất nhiều. Rất mong được sự hồi âm của quý công ty.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ vào thông tin bạn đã cung cấp trên đây, thời điểm ông bà ngoại bạn lập di chúc là năm 2008, theo đó, nội dung và tính hợp pháp của di chúc chúng tôi sẽ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2005:

 

Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng

 

Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.

 

Điều 664. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng

 

1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

 

2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

 

Điều 668. Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng

 

Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.

 

Từ các quy định trên đây, có thể thấy vào thời điểm ông ngoại chết, bản di chúc chưa phát sinh hết hiệu lực pháp luật, mà chỉ phát sinh hiệu lực một phần.

 

Do đó, tất cả tài sản thuộc sở hữu chung của ông bà ngoại sẽ được chia đôi: 1 nửa thuộc sở hữu của bà và 1 nửa thuộc sở hữu của ông – nửa này được sử dụng để chia thừa kế theo di chúc. Tuy nhiên, theo như những gì bạn đã trình bày thì các vấn đề liên quan đến đất đai đã được giải quyết trước khi ông mất. Vậy nên khi di chúc phát sinh hiệu lực một phần thì đã không còn tài sản vào thời điểm mở thừa kế theo Khoản 3 Điều 667 Bộ luật Dân sự 2005. Do đó, chỉ có thể chia những di sản vẫn còn như tài sản riêng của ông, 1 nửa số tài sản chung của ông bà đang gửi ngân hàng không được định đoạt trong di chúc.

 

Mà theo Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định người thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm những người sau đây:

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Vậy, phần di sản của ông sẽ được chia đều cho: bà ngoại, mẹ bạn, 2 dì và 3 cậu.

 

Theo đó, hành vi chia đất của bà ngoại dành cho cậu C sau khi ông chết chỉ được coi là hợp pháp nếu như mảnh đất đó nằm trong phạm vi tài sản của bà ngoại.

 

Đồng thời, bà cũng chỉ được yêu cầu cậu B rút đủ số tiền nằm trong phạm vi tài sản của bà dành cho cậu C. Phần đất mà bà yêu cầu chia cho cậu C sau này cũng phải đảm bảo đó là tài sản của bà thì bà mới có quyền định đoạt.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn