LS Hoài My

Lấy tài sản của công ty để trả nợ

Câu hỏi: Kính gửi công ty luật Minh Gia.Xin nhờ phía công ty tư vấn cho trường hợp sau.Tạm gọi các bên liên quan như sau:+ Bên A: Chủ nợ.+ Bên B: Người nợ.Trong khoảng thời gian từ 2015 - 2016 bên A có cho bên B mượn 200 triệu VNĐ không có giấy tờ cho mượn; chỉ thỏa thuận bằng đối thoại giữa hai bên.

 

Thời gian gần đây bên B không có khả năng chi trả số tiền trên nên đã đề nghị dùng tài sản của công ty, do bên B đứng tên là chiếc xe hơi - được định giá 380 triệu VNĐ giữa hai bên, để trả khoản nợ nêu trên, đồng thời bên A đưa thêm cho bên B 180 triệu VND. Tuy nhiên, bên B nói rằng giấy tờ xe đang thế chấp ở ngân hàng nên không thể giao cho bên A và hẹn tới tháng 11/2016 sẽ giao cho bên A, tạm thời chỉ giao cho bên A giấy đăng kiểm xe và viết giấy hẹn đến tháng 11/2016 sẽ giao đầy đủ giấy tờ.

 

Xin nhờ luật sư tư vấn xem liệu như thế có được không ? Và việc viết giấy xác nhận cần những nội dung gì ? Ví dụ: Bên B vay tiền bên A, Bên A trả 180 triệu VNĐ cho bên B để bằng giá trị chiếc xe, bên B xác nhận rõ sẽ giao giấy tờ vào tháng 11, có người làm chứng....Trong trường hợp tháng 11/2016 bên B không giao giấy tờ, thì bên A có quyền khởi kiện về mặt pháp lý không ? Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

 

Thứ nhất, về việc bên B lấy tài sản của công ty (chiếc xe hơi) do mình đứng tên để trả nợ và việc bên A đưa thêm cho bên B 180 triệu VND.

 

Theo quy định của pháp luật thì giấy tờ đăng ký xe do cơ quan nhà nước cấp là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản. Trong trường hợp này, giấy tờ đăng ký xe do bên B đứng tên là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của anh B đối với chiếc xe đó. Do đó mà anh B có quyền quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt chiếc xe đó. Tuy nhiên, chiếc xe này thực chất thuộc sở hữu của phía công ty (công ty để chiếc xe đứng tên B rất dễ xảy ra việc B đem đi bán hoặc để trả nợ như ở tình huống này).

 

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc cấm đứng tên trên giấy tờ xe vì thức chất không thể kiểm soát được ý chí cá nhân của các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Trong trường hợp này, việc B mang tài sản của công ty ( là chiếc xe hơi) do mình đứng tên để trả nợ sẽ mang rủi ro cho bên A bởi mặc dù chiếc xe do B đứng tên nhưng phía công ty có thể kiện đòi lại tài sản nếu có các các chứng cứ như bản ghi âm, ghi hình, người làm chứng cho việc xác lập thoả thuận giữa B và phía công ty về việc đứng tên trên giấy tờ xe thay công ty và các giấy tờ khác như như phiếu thu chi ghi tên công ty khi công ty trả tiền mua xe …

 

Mặt khác, theo quy định tại Điều 474 Bộ Luật dân sự 2005 :

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý”.

 

Vậy, bên A chỉ có thể trả số tiền đã vay là 200 triệu đồng bằng chiếc xe trị giá 380 triệu đồng nếu được bên B đồng ý. Ngoài ra, việc A đưa thêm cho bên B 180 triệu VND có hợp lý hay không  phải xem rằng A và B có thỏa thuận về lãi  khi cho vay hay không thỏa thuân. Nếu không thỏa thuân thì  A đưa thêm cho B 180 triệu là đúng vì bên vay chỉ phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu có chênh lệch thì bên kia phải trả lại và ngược lại, nếu có thỏa thuân về lãi thì B phải trả cho A cả lãi theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo quy định của pháp luât.

 

Thứ hai, về việc bên B chỉ giao giấy đăng kiểm xe và viết giấy hẹn thời gian giao đủ giấy tờ do tài sản đang thế chấp tại ngân hàng.

 

Việc B giao cho A giấy đăng kiểm của chiếc xe ô tô đó không có ý nghĩa gì vì giấy đăng kiểm chỉ thế hiện nội dung chất lượng xe có đảm bảo chất lượng và an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (dành cho xe mới đi đăng kiểm lần đầu) hoặc gia hạn cho phép xe ô tô được lưu thông trên đường hay không chứ không khẳng định quyền sở hữu chiếc xe đó.

 

Khoản 4 Điều 348 BLDS 2005 quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản như sau: "4. Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của Bộ luật này”.

 

Theo quy định trên thì B đã thế chấp chiếc xe này tại ngân hàng và giấy tờ xe đang do ngân hàng giữ thì B không còn quyền định đoạt đối với tài sản thế chấp đó nữa, tức B không được đem tài sản đã thế chấp tại ngân hàng (là chiếc xe ô tô) trị giá 380 triệu đồng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với A trừ phi B hủy bỏ việc thế chấp tại ngân hàng do vậy, đối với A việc viết giấy hẹn này cũng không khả thi và khó có thể thực hiện được. Mặt khác, việc A thế chấp ô tô tại ngân hành tức là chiếc xe ô tô đó đang được đem ra để đảm bảo cho một nghĩa vụ về tài sản khác, nếu đến thời hạn này mà B không không trả không đủ thì ngân hành sẽ xử lý tài sản thế chấp.

 

Thứ ba, Trong trường hợp tháng 11/2016 bên B không giao giấy tờ, thì bên A có quyền khởi kiện về mặt pháp lý không.

 

Theo quy định tại điều 471 bộ luật dân sự 2005:

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

 

Và điều 401 Bộ luật dân sự đã quy định:"1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

 

Như vậy, giữa A và B đã giao kết một hợp đồng vay tiền, mặc dù không lập thành văn bản nhưng giữa A và B đã hình thành một hợp đồng bằng lời nói (đối thoại giữa hai bên).

 

Trong trường hợp này, bên B không giao giấy tờ thì bên A hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân và kèm theo đó là các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, việc A cho B vay tiền nhưng vì lý do nào đó ký kết hợp đồng vay hoặc giấy mượn tiền nên bạn cần chuẩn bị các chứng cứ khác như tin nhắn, bản ghi âm B hỏi mượn tiền A, hóa đơn A chuyển khoản cho B….để chứng minh B đã vay tiền A.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Lấy tài sản của công ty để trả nợ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV.Khuất Thị Hạnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo