Vũ Thanh Thủy

Làm giấy vay tiền bị lừa kí tên thành giấy chuyển nhượng nhà

Xin hỏi, mẹ tôi qua nhà người bạn chơi tình cờ gặp và biết được người tên tuấn. Và qua nhiều lần tiếp xúc, tuấn biết mẹ tôi có ý định muốn đi xuất cảnh.


Hắn đã nãy sinh việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mẹ tôi và toà đã tuyên án T 13 năm tù vì tội lừa đảo rồi. Nhưng tôi có thắc mắc này cần nhờ luật sư giải đáp giúp. Trong những lần T lừa tiền mẹ tôi, và đến cuối cùng T đòi phải có 500 triệu trong tài khoản ngân hàng cho sở di trú xem thì mới được cấp giấy. Thì lúc đó vì số tiền lớn mẹ tôi đã nói với T mẹ tôi không có tiền, T giới thiệu với mẹ tôi là T có người quen cho vay tiền. Và mẹ tôi cùng T đến gặp người quen đó của T để vay. Nhưng khi ra công chứng không biết T với người quen của T đã lừa mẹ tôi giấy vay nợ thành giấy chuyển nhượng mua bán nhà đất. Và người cho vay đó có làm cho mẹ tôi 1 tờ giấy phụ lục viết tay không có công chứng. Trong giấy phụ lục đó người cho vay và mẹ tôi có kí tên, và ghi trong hợp đồng đó là lãi suất 1,5% mỗi tháng. Trong vòng 1 năm mẹ tôi sẽ thanh toán hết tiền lãi và vốn thì người cho vay sẽ trả lại giấy chủ quyền nhà cho mẹ tôi. Nhưng trong hợp đồng phụ lục làm là ngày 3/6/2016 mà đến ngày 11/6/2016 người cho vay đã đăng tên sang bộ cho họ rồi. Và họ đã đi cầm ngân hàng, gia đình của tôi cũng đã biết vụ việc ấy và đi thưa cũng từ năm 2016 cho đến nay. Gia đình tôi đang chờ đóng án phí của tòa án thành phố, nhưng mấy ngày nay có nhóm giang hồ đến đập phá nhà và họ đã đưa giấy tờ nói là họ đã mua của ngân hàng. Nhưng từ bữa giờ do họ đến quậy phá gia đình tôi đã xin được cái biên nhận giấy đình chỉ khẩn cấp mua bán tạm thời giao cho công an phường và quận xuống giải quyết giúp, để gia đình tôi chờ toà án giải quyết. Lúc đầu người cho mẹ tôi vay đã đến lấy tiền lãi 2 rồi. Mà từ khi người cho mẹ tôi vay nghe tin T bị bắt thì từ 2 tháng đó trở đi họ đã trốn. Vậy luật sư cho tôi hỏi T có phải là người chủ mưu trong chuyện này, vì trong bản khai của T chỉ khai là biết những người này qua những tờ rơi dán trên tường. Vậy thì qua những lời khai của T như vậy, và người đang đứng tên nhà cửa của mẹ tôi đã bỏ trốn rồi vậy thì nếu như toà án không bắt được người cho vay đó thì toà có thể giải quyết gì cho gia đình tôi được không ạ. Xin chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xác định T có phải là người cầm đầu

 

Khoản 3 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

 

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

 

Như vậy, Người chủ mưu là người chủ động về mặt tinh thần gây ra tội phạm, gợi ra những âm mưu, phương hướng hoạt động của nhóm phạm tội. Để xác định T có phải là chủ mưu trong việc lừa đảo mẹ bạn hay không thì cần phải xác định T có phải là người vạch ra những kế hoạch cho những người còn lại thực hiện hay không? Thông thường để xác định được vai trò của T thì còn phụ thuộc vào phía cơ quan điều tra.

 

Thứ hai, giải quyết tranh chấp

 

Theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

"Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình."

 

Theo như nội dung bạn trình bày thì hợp đồng giao kết giữa mẹ bạn và người cho vay sẽ bị vô hiệu theo quy định trên. Hậu quả khi hợp đồng trên vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015:

 

"Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định."

 

Đối với vấn đề người đã sang tên mảnh đất của mẹ  bạn bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì Tòa án vẫn có thể giải quyết khi vắng mặt người này, cụ thể theo Điều 227 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:

 

"Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

...

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

 

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

 

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

..."

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo