Hoài Nam

Cha mẹ chia tài sản cho con cái thế nào?

Đất đai là một trong những tài sản đặc biệt trong xã hội. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất? Trường hơp cha mẹ chia tài sản cho con cái thì cần phải thực hiện những trình tự, thủ tục gì? Luật Minh Gia tư vấn những nội dung này như sau:

1. Luật sư tư vấn tặng cho quyền sử dụng đất

Hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Theo đó, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là một trong những hợp đồng quan trọng của giao dịch dân sự nói chung, bởi nó là một quan hệ dân sự phổ biến trong xã hội và là một trong những phương thức pháp lý hữu hiệu giúp cho cá nhân, tổ chức xác lập và thực hiện việc chuyển nhượng sử dụng đất nhằm thỏa mãn các nhu cầu trong sản xuất kinh doanh và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Vì tài sản trong hợp đồng là quyền sử dụng đất – một tài sản đặc biệt quan trọng nên pháp luật quy định chặt chẽ hơn nhiều so với việc tặng cho các tài sản thông thường khác. Do đó, các bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tìm hiểu kỹ và nắm rõ quy định pháp luật. Trong trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Cha mẹ muốn chia tài sản cho con thì phải làm thủ tục gì?

Câu hỏi:

Chào luật sư! Ông nội bà nội tôi có 7 người con, 1 trai, 6 gái tất cả đều lập gia đình. Hiện tại tài sản của ông bà nội tôi gồm 7.000m2 và 1 căn nhà. Hiện tại ông bà nội tôi đang ở cùng 2 người con gái, cha tôi có nhà riêng trên phần 7.000m của ông bà nội tôi nhưng chưa có sổ đỏ, ông bà tôi có chia cho cha tôi 1.800m2, giờ ông bà nội tôi đang bệnh tai biến. Các cô tôi đuổi cha tôi khỏi vùng đất đang ở và yêu cầu cha tôi trả lại phần đất này

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Điểm a), khoản 3, Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:

"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;"

Theo như bạn trình bày, ông bà nội của bạn chia cho bố bạn 1800m2 đất, nhưng bạn không nói rõ các bên có ký kết hợp đồng bằng văn bản, tiến hành bất cứ các thủ tục như chứng thực hay công chứng hay không.

Quyền sử dụng đất là một tài sản đặc biệt, mà vì thế pháp luật quy định chặt chẽ về mặt thủ tục khi chủ sở hữu định đoạt tài sản này thuộc sở hữu của mình. Bộ luật dân sự hay Luật đất đai quy định về hình thức hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập thành văn bản, và tùy từng giai đoạn, thủ tục công chứng, chứng thực cũng được quy định là thủ tục quyết định hiệu lực pháp lí của loại hợp đồng này.

Trong trường hợp của bạn, nếu hợp đồng tặng cho giữa ông bà nội của bạn và bố của bạn không được ký kết bằng văn bản thì sẽ bất lợi cho bố của bạn khi tiến hành giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền; trường hợp đó, bố của bạn sẽ phải trả lại thửa đất đó lại cho ông bà nội của bạn, bởi hợp đồng tặng cho bằng lời nói sẽ bị vô hiệu khi có yêu cầu của một hoặc các bên liên quan trong phạm vi khoảng thời gian 02 năm kể từ ngày giao dịch được xác lập. Thế nghĩa là kể từ thời điểm ông bà nội của bạn tặng cho bố của bạn mảnh đất cho đến nay nếu đã trên 02 năm thì các bên liên quan sẽ không thể yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng này vô hiệu nữa, giao dịch giữa ông bà nội của bạn và bố của bạn vẫn sẽ có hiệu lực cho dù đã vi phạm về hình thức của hợp đồng.

Trường hợp giao dịch bị tuyên vô hiệu, nếu bố của bạn chứng minh rằng mình bỏ tiền để xây dựng ngôi nhà riêng ở trên thửa đất này, thì ông bà nội của bạn sẽ phải thanh toán cho bố của bạn các chi phí để xây dựng các công trình.

---

3. Con có được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn không?

Câu hỏi:

Tôi xin chào luật sư tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi về những vấn đề về quyền phân chia tài sản tôi rất cảm ơn luật sư nếu như những thắc mắc của tôi được luật sư tư vấn tôi xin chân thành cảm ơn luật sư:

Luật sư cho tôi hỏi bố mẹ tôi đã ly hôn được mấy năm rồi tòa án phân chia tài sản chung mỗi bên 1 nửa(tài sản chung là quyền sử dụng đất) 2 anh em tôi ở với bố, em gái tôi đã lấy chồng mấy năm trước ,giờ bố tôi lấy vợ 2 và sinh thêm được 1 người con trai , cách đây mấy năm tôi đã lập gia đình ,tuy tôi ở với bố nhưng khi tôi lấy vợ xong tôi xây nhà thì tôi được mẹ tôi cho 1 phần đất của mẹ để tôi xây nhà, giờ tôi muốn xây thêm nhà trên 1 phần nhỏ diện tích đất của bố tôi , nhưng 1 phần đất đó tôi đã nói chuyện với bố để xin nhưng bố tôi không đồng ý để tôi xây thêm bố tôi không cho tôi 1 phần đất đó. giờ tôi muốn hỏi luật sư tôi được tòa án giải quyết ở với bố vậy giờ bố tôi có trách nhiệm gì với tôi ? và cá nhân tôi có quyền yêu cầu bố tôi phân chia tài sản cho tôi không ? Ví dụ như diện tích đất của bố tôi được hưởng khi bố mẹ tôi ly hôn. tôi rất mong luật sư có thể tư vấn giúp tôi, để tôi hiểu và biết được mình có quyền hay tài sản mình được phân chia như thế nào? tôi chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ được chia đôi cho vợ, chồng. Như vậy, các con không có quyền được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn. Đất thuộc quyền sử dụng của bố bạn thì bố bạn có quyền định đoạt, quyền chiếm hữu và sử dụng mảnh đất đó. Do vậy bạn không có quyền gì đối với mảnh đất trong trường hợp này trừ khi bố bạn cho phép bạn. Tòa sẽ không giải quyết yêu cầu của bạn đối với việc đòi quyền sử dụng đất nếu bạn không có đủ căn cứ theo quy định pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo